QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CÀ CHUA TRÊN GIÁ THỂ TRONG NHÀ MÀNG ÁP DỤNG TƯỚI NHỎ GIỌT THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP
1. Chuẩn bị nhà màng
Nhà màng được thiết kế với hệ thống cửa áp mái cố định có rèm che, thông gió tự nhiên với chiều cao đến máng nước 4 m, khẩu độ 8 m, bước cột 4 m, chiều cao máng nước 4,75 m. Với mái được lợp bằng màng Polymer và vách xung quanh là các tấm lưới mắt cáo chắn côn trùng gây hại với quy cách 64 lỗ/cm2.2. Giống
Tùy theo điều kiện và nhu cầu của thị trường, có thể chọn nhiều giống cà chua bi sinh trưởng vô hạn có hình thức, chất lượng phù hợp.
Cây giống khi trồng phải đạt tối thiểu:
– Số ngày gieo ươm: 21 – 25 ngày
– Chiều cao cây: 10 – 15 cm
– Số lá thật: ≥ 3 lá
Tình trạng cây xuất vườn: Cây khoẻ mạnh, đồng đều, không dị hình, không bị dập nát, ngọn phát triển tốt, không có các biểu hiện nhiễm sâu bệnh.
3. Gieo ươm cây con
Sử dụng khay ươm cây để gieo hạt. Khay ươm thường làm bằng vật liệu mút xốp, có kích thước dài 50 cm, rộng 35 cm, cao 5 cm (có 50 lỗ/khay).
Sử dụng mụn xơ dừa, tro trấu và phân trùn quế (1,5 N – 0,5 P2O5– 0,5 K2O) để làm giá thể gieo hạt với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu.
– Mụn xơ dừa phải xử lý chất chát (tannin) trước khi trồng bằng cách xử lý ngâm và xả trong hồ (bể) bằng nước sạch kết hợp với vôi (5 kg vôi/m3 mụn xơ dừa)tưới đều trên bề mặt giá thể. Hàng ngày, buổi sáng bơm nước vào hồ đã đổ mụn xơ dừa để ngâm (bơm đầy hồ), buổi chiều xả nước ra (xả hết nước trong hồ). Thời gian xử lý là 7 – 10 ngày (lúc này nước xả đã trong) thì sử dụng để làm giá thể trồng cây.
– Phân trùn quế: Được xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm sinh học BIMA (thành phần các chủng nấm Tricoderma: 5 × 106 bào tử/gam, hữu cơ: 50%; độ ẩm < 30%). Dùng 500 g BIMA pha với 150 – 200 L nước, sử dụng dung dịch pha này để tưới hoặc phun xịt đều lên cho 5 – 6 m3 phân trùn quế. Sử dụng bạt ni lông phủ lên trên bề mặt đống ủ để giữ ẩm và giữ nhiệt từ 7 – 10 ngày. Định kỳ đảo trộn để đảm bảo bào tử phân tán đều và cung cấp oxy.
Giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay, sau đó tiến hành gieo 1 hạt/lỗ (hạt không cần ủ). Hằng ngày tưới nước giữ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm đồng đều, khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Khi hạt nảy mầm và xuất hiện lá thật thứ nhất, tiến hành phun phân bón lá Growmore 30 – 10 – 10 với nồng độ là 1g/L nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây con. Sau gieo từ 21 – 25 ngày, cây đạt chiều cao 10 – 15 cm thì tiến hành trồng cây vào bầu.
Trong vườn ươm cần chú ý: Phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ là môi giới truyền bệnh virus cho cà chua. Tốt nhất cây nên gieo trong nhà màng có lưới ngăn côn trùng.
4. Chuẩn bị giá thể trồng
Giá thể tương tự như giá thể gieo ươm cây con (mụn dừa và phân trùn quế được xử lý như trong phần chuẩn bị giá thể gieo ươm cây con). Giá thể phải đảm bảo độ sạch (không nhiễm sâu bệnh hại, vi sinh vật, cỏ dại), độ thông thoáng, không dí chặt và đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Giá thể sau khi xử lý được cho vào các túi ni lông trồng cây (túi có màu trắng, kích thước túi 40 cm x 40 cm, được đục lỗ xung quanh đáy túi (16 lỗ), 6 kg giá thể/túi. Các túi giá thể được đặt trên các tấm đỡ (có thể sử dụng gạch để làm tấm đỡ) cách mặt đất 10 – 20 cm.
Giá thể trước khi trồng được phân tích các thành phần dinh dưỡng, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.
5. Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt
Trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có: bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc và bộ định giờ (timer và van từ).
Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới:sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60 cm, đường kính 4 mm; dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống đẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống là phi 16. Bố trí mỗi hàng là 1 đường dây dẫn, mỗi túi nilon cắm 1 dây tưới nhỏ giọt nên số lượng dây tưới tương đương với số lượng túi nilon.
6. Khoảng cách, mật độ trồng
Cây được trồng trong túi nilon chuẩn bị sẵn, trồng 1 cây/túi và trồng theo hàng đôi với khoảng cách giữa 2 cây trên một hàng là 45 – 50 cm; khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 30 cm; khoảng cách giữa 2 hàng đôi là 1,2 m. Các túi nilon được đặt cách mặt đất khoảng 10 – 20 cm tránh cho rễ cây không tiếp xúc với môi trường đất nhằm hạn chế bệnh do vi khuẩn xâm nhập từ đất hoặc lây lan.
Mật độ: Tùy theo mùa vụ mà bố trí mật độ phù hợp, chú ý vào những tháng mưa nhiều, ánh sáng yếu. Mật độ: 1.800 – 2.200 cây/1.000 m2
Thời điểm trồng: Trồng vào lúc trời mát là tốt nhất và cây phải đồng đều, cây khỏe mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh hại.
7. Chế độ nước tưới và dinh dưỡng
Nưới tưới: Sử dụng nguồn nước sạch, pH nước tốt nhất từ 6,0 – 7,0. Có thể sử dụng nước giếng khoan hay nước sông không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với cây trồng trên giá thể trong nhà màng. Đây là quy trình trồng trên giá thể nên các yếu tố đa, vi lượng phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.
Loại phân bón sử dụng: Các phân như KNO3, MgSO4, K2SO4, (NH4)2SO4, (NH2)2CO, KH2PO4, Ca(NO3)2 thường được hòa tan vào nước thành dung dịch dinh dưỡng tưới cây. Trong các loại phân này phải đảm bảo chứa đủ các nguyên tố cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Đó chính là K, N, P, S, Ca, Mg. Đa số các loại phân bón này là phân vô cơ, dễ tan trong nước, chúng thường ở dạng rắn (dễ bảo quản hơn so với phân dạng lỏng).
Bảng 1. Thành phần và nguồn gốc các loại phân bón sử dụng | ||
Loại phân | Thành phần | Nguồn gốc |
Potassium nitrate [KNO3] | 14% N và 37% K | Jordan |
Monopotassium phosphate [KH2PO4] | 23% P và 28% K | Trung Quốc |
Calcium nitrate [Ca(NO3)2·4H2O] | 16% N và 20% Ca | Jordan |
Potassium sulfate [K2SO4] | 43,3% K | Trung Quốc |
Magnesium sulfate [MgSO4·7H2O] | 11% Mg | Trung Quốc |
Manganese sulfate [MnSO4·4H2O] | 28% Mn | Trung Quốc |
Solubor[H3B3] | 20,5% B | Đức |
Zinc sulfate [ZnSO4] | 36% Zn | Trung Quốc |
Copper sulfate [CuSO4.5H2O] | 25% Cu | Trung Quốc |
Sodium molybdate [Na2MoH2O] | 39,6% Mo | Đức |
Chelated sắt | 11% Fe | Trung Quốc |
Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt (pH dung dịch tưới: từ 6 – 6,8). Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp. Cụ thể liều lượng các chất dinh dưỡng (g/1.000 L) được sử dụng như sau:
Bảng 2. Nồng độ dinh dưỡng tưới (ppm) cho cà chua bi trồng trong nhà màng | ||||
Tên phân bón | Trồng – ra hoa | Đậu quả – Thu hoạch | ||
N | 150 | 200 | ||
P | 50 | 50 | ||
K | 280 | 300 | ||
Ca | 160 | 160 | ||
Mg | 50 | 50 | ||
Fe | 2,8 | 2,8 | ||
Cu | 0,2 | 0,2 | ||
Mn | 0,8 | 0,8 | ||
Zn | 0,3 | 0,3 | ||
B | 0,7 | 0,7 | ||
Mo | 0,05 | 0,05 | ||
Bảng 3.Lượng dinh dưỡng tưới (g/1.000 L) cho cà chua bi trồng trong nhà màng | ||||
Tên phân bón | Trồng – ra hoa | Hoa – Thu hoạch | ||
KNO3 | 180 | 600 | ||
KH2PO4 | 200 | 223 | ||
MgSO4 | 480 | 540 | ||
Ca(NO3)2 | 420 | 705 | ||
K2SO4 | 130 | 295 | ||
(NH2)2CO | 50 | 20 | ||
CuSO4 | 0,5 | 0,5 | ||
ZnSO4 | 1,8 | 1,8 | ||
MnSO4 | 2,6 | 2,6 | ||
Chelate Fe | 22 | 22 | ||
(NH4)6Mo7O24 | 0,1 | 0,1 | ||
H3BO3 | 2,4 | 2,4 |
Cách pha dinh dưỡng:
– Bơm nước vào bồn chứa (khoảng 1/2 thể tích nước cần thiết).
– Các loại phân bón trên được cân theo từng loại riêng biệt.
– Cho 1 loại phân vào xô nhựa 20 L, cho nước vào khoấy đều cho phân tan hết. (Lượng nước đưa vào phải đảm bảo lượng phân cần pha được hòa tan hết); sau đó đổ dung dịch đã pha vào bồn chứa. Tiếp tục như vậy đối với các loại phân khác, lưu ý pha Ca(NO3)2 vào bồn chứa sau cùng.
– Sau khi các loại phân đã được pha hết, tiến hành cho nước thêm vào bồn chứa đến mực nước cần thiết.
Chế độ tưới cho cà chua bi được thực hiện như sau:
Bảng 4.Chế độ tưới cho cà chua bi trồng trong nhà màng | |||
Giai đoạn | Số lần tưới/ngày | Thời gian tưới (phút) | Lượng nước trung bình (lít/bầu/ngày) |
Từ trồng đến ra hoa đầu tiên | 8 | 3 | 0,7 |
Từ ra hoa đến cuối vụ | 8 | 6 | 1,5 |
8. Chăm sóc
Cố định cây: Cây được quấn cố định vào dây treo sau khi trồng 7 – 10 ngày (cây cao khoảng 20 – 30 cm), một đầu cố định trên khung dây treo của nhà màng, đầu còn lại buộc vào lá thật đầu tiên của cây cà chua, mỗi cây bố trí 1 dây treo.
Hạ cây: Cây được hạ lần đầu khi đạt chiều cao khoảng 2,5 m tương đương giai đoạn cây 70 – 75 ngày sau trồng, những lần tiếp theo tiến hành hạ dây 2 tuần/lần. Cho cây cà chua nghiên về cùng một hướng bên trái hoặc bên phải sao cho thuận tiện trong việc chăm sóc cây.
Quấn ngọn và tỉa chồi: Giai đoạn cây từ 0 – 60 ngày sau trồng tiến hành quấn ngọn và tỉa chồi 3 – 5 ngày/lần, cây từ 60 ngày trở về sau 7 – 10 ngày/lần. Cây được tỉa bỏ tất cả các chồi nách, chỉ để lại một thân chính.
Thụ phấn: Hàng ngày, vào các buổi sáng (7 – 9 giờ) phải rung cây để thụ phấn cho cà chua bi, chỉ cần ngọn cây rung nhẹ là được.
Vị trí để quả: Cắt bỏ chùm hoa đầu tiên, để quả từ chùm hoa thứ 2 trở đi.
Tỉa quả trên chùm: Khi những bông hoa đầu tiên trên chùm hoa đã đậu khoảng 10 hoa, tiến hành tỉa bỏ những bông hoa ở cuối chùm, chỉ để từ 18 – 20 quả/chùm. Tỉa bỏ những quả biến dị, quả nhỏ.
Tỉa lá: Sau khi trồng 60 – 65 ngày, tiến hành cắt tỉa các lá già ở phía dưới cho tới chùm quả đầu tiên. Sau đó, tỉa lá 2 tuần/lần.
9. Phòng trừ sâu bệnh
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để phòng trừ sâu bệnh hại trên cà chua. Cà chua trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số loài sâu, bệnh hại sau: Bọ trĩ (Thrips palmi Karny), bọ phấn (Bemisia tabaci); bệnh xoăn lá vàng ngọn, bệnh mốc sương (Phytophthora infestans), bệnh héo xanh vi khuẩn (Ralstonia solanacearum), bệnh thối đít trái do rối loạn sinh lý. Phòng trừ bằng thuốc sinh học, bẫy dính màu vàng; sử dụng các loại thuốc phòng trừ có tính tiếp xúc, mau phân hủy và có thời gian cách ly ngắn đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
9.1 Bệnh hại
Bệnh xoăn lá do virus
Điều kiện phát sinh phát triển: Sự phát triển và tác hại của bệnh có liên quan chặt chẽ với mật độ bọ trĩ Thrips spp., rệp mềm Aphis spp., bọ phấn trắng Bemisia sp. Trong nhà màng.
Triệu chứng:
Cây bị bệnh lá biến màu vàng nhạt trong khi gân lá còn xanh tạo thành những vết xanh vàng loang lổ, lá nhỏ lại, nhăn nheo và thô cứng, các lá ngọn bị xoăn, cây sinh trưởng kém, thấp nhỏ, phân nhiều cành, cằn không phát triển được. Cây bị bệnh sớm và nặng có thể chết. Nếu bị muộn và nhẹ, những lá non ra sau bị xoăn, cây có thể ra hoa và quả nhưng rụng nhiều; Nếu có quả thì quả nhỏ, méo mó, cứng, chất lượng kém.
Biện pháp phòng trừ:
– Dùng giống kháng bệnh: Giống F1
– Vệ sinh nhà màng, thu dọn tàn dư cây trồng, nhổ bỏ cây bệnh, hạn chế bọ phấn, bọ trĩ lây lan.
– Hạn chế gây vết thương trong quá trình chăm sóc
– Ngắt bỏ các bộ phân bị hại
– Trồng vành đai cây dẫn dụ và bảo vệ
– Phòng trừ côn trùng môi giới truyền bệnh bằng cách luân phiên sử dụng các loại thuốc: Elsin 10EC (Nitenpyram), Acnipyram 50WP (Nitenpyram), LKSet – Up 70WG (Nitenpyram + Pymetrozine)
Bệnh mốc sương/sương mai (Phytopthora infestans)
Bộ phận bị hại: Phá hại tất cả các bộ phận của cây cà chua bi.
Triệu chứng:
– Trên lá: Vết bệnh đầu tiên ở mép lá, có màu xanh tái như úng nước, sau đó lan dần vào phía trong phiến lá, màu nâu, có ranh giới rõ rệt với phần còn lại của phiến lá. Ở mặt dưới lá chổ vết bệnh có lớp mốc trắng như sương, bệnh nặng làm lá thối nhũn, thời tiết khô vết bệnh khô dòn dễ vỡ.
– Trên thân: Vết bệnh màu nâu thẫm, hơi lõm, lan rộng bao quanh thân.
– Trên quả: Bệnh thường gây hại ở phía trên của quả, đốm bệnh màu xanh xám đến nâu sẫm, hơi lõm, cứng và nhăn nheo, bên trong quả bị thối nhũn, dễ rụng.
Biện pháp phòng trừ:
– Chọn hạt giống không bị nhiễm bệnh.
– Chế độ dinh dưỡng cân đối tạo sức đề kháng cho cây trồng.
– Vệ sinh sạch sẽ, thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.
– Cắt bỏ, thu gom lá và quả bị bệnh đem tiêu hủy.
– Sử dụng luân phiên các loại thuốc sau: Viroxyl 58WP (Copper Oxychloride + Metalaxyl), Aliette 80WP, 800WG (Fosetyl aluminium), Amistar top 325SC (Azoxystrobin + Difenoconazole); Binyvil70WP, 80 WP (Fosetyl aluminium + Mancozeb).
Bệnh héo xanh do vi khuẩn (Ralstonia/Pseudomonas solanacearum)
Thời gian phát sinh phát triển: Bệnh hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng nặng nhất là giai đoạn hình thành trái.
Triệu chứng:
– Khi cây còn nhỏ, hiện tượng lá héo rũ xanh tái xảy ra nhanh chóng đột ngột
– Ở những cây lớn bị bệnh: Ban đầu lá gốc có màu xanh vàng, héo rũ xuống rất nhanh, khi mới bị bệnh ban ngày cây bị héo, ban đêm hồi xanh lại, 2 – 3 ngày sau cây không phục hồi được và héo hoàn toàn. Vỏ thân xù xì, bó mạch dẫn hoá nâu chứa đầy dịch nhờn vi khuẩn, sau 3 ngày gốc thối mềm toàn bộ cây héo rũ. Cắt ngang thân gần gốc, cho vào cốc nước có dịch trắng đục từ mặt cắt.
Biện pháp phòng trừ
– Không trồng cà chua khi trước đó đã trồng các cây họ cà: Cà tím, ớt, cà pháo
– Thu dọn tàn dư cây trồng; dọn sạch các loại ký chủ duy trì nguồn bệnh trong vườn.
– Chọn giống có tính kháng với vi khuẩn, sử dụng cây gốc ghép.
– Khi phát hiện cây trong vườn đã bệnh cần tiêu hủy cả cây và rãi vôi xung quang khu vực nhiễm bệnh.
– Xử lý hạt giống: Nước nóng (3 sôi + 2 lạnh) trong 20 phút, Kasumil 2L (Kasugamycin) 0,1 % (1 mL/ L).
– Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng bón vào đất trước khi trồng để hạn chế bệnh và giúp cây hấp thu lân dễ dàng.
– Vệ sinh ruộng, nhổ bỏ cây bệnh, dùng vôi xử lý chổ cây bệnh hoặc tưới thuốc Starner 20WP (Oxolinic acid), New Kasuran 16,6WG (Copper Oxychloride + Kasugamycin), Zincopper 50WP (Copper Oxychloride + Zineb)
– Biện pháp sinh học: Sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas fluorescens, Bacillus subtilis, tưới vào gốc cây
– Thuốc hóa học: Cupenix 80BWP (Copper Oxychloride + Mancozeb), Viroxyl 58WP (Copper Oxychloride + Metalaxyl), Starner 20WP (Oxolinic acid).
– Thuốc sinh học: Kasumil 2L (Kasugamycin), New Kasuran 16,6WG (Copper Oxychloride + Kasugamycin), Diboxylin 4SL, 8SL (Ningnanmycin), Sat 4 SL, 8SL (Cytosinpeptidemycin), Exin 4,5SC (Phytoxin VS), Actinovate 1SP (Streptomyces lydicus WYEC 108), Physan 20L (Quaternary Ammonium Salts) , Ditacin 8L (Ningnanmycin), Agrilife 100SL (Ascorbic acid + Citric acid + Lactic acid).
Bệnh thối đít trái do rối loạn sinh lý
Nguyên nhân:
Bệnh thối đít trái là một bệnh gây ra do sự rối loạn sinh lý do có sự thay đổi bất thường về độ ẩm trong giá thể hoặc do yếu tố dinh dưỡng như dư đạm (N), thiếu hụt Canxi.
Triệu chứng:
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là gây tổn thương ở phần cuối đít trái (blossom end of fruit). Bệnh xảy ra trong khi trái còn xanh hoặc khi trái chín, gây hư hại trên mô quả làm co mô bào, phần hư hại bị lõm xuống có màu nâu sậm đến nâu đen, vết bệnh phát triển nhanh, thông thường vết bệnh bị giới hạn trong khu vực bị lõm có màu tối.
Phòng ngừa:
– Đảm bảo độ pH của giá thể trong khoảng 6,0 – 6,5.
– Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của giá thể.
– Phun bổ sung phân bón lá giàu canxi như: Calmax (Hi – Canxi), HAI – CanNiBo. Phun vào lúc thời tiết mát mẽ, khi cây bắt đầu ra hoa.
9.2 Sâu hại
Bọ trĩ (Thrips palmi)
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Bọ trĩ thường sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa làm cho đọt bị xoăn chùn lại, sượng ngẩng đầu lên cao, cây không vươn lóng, trái không phát triển. Bọ trĩ có rất nhiều loài và tất cả đều cực kỳ nhỏ bé. Chúng rất mảnh và có thể có màu trắng, vàng, nâu hay màu đen. Bọ trĩ đẻ trứng trong mô mặt dưới lá.
Điều kiện phát sinh, phát triển: Chúng phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Chúng gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa. Bọ trĩ còn là môigiới truyền bệnh virus cho cây.
Biện pháp phòng trừ:
– Không sử dụng nguồn giống ở những ruộng bị nhiễm.
– Giống F1 kháng được nhiều loại sâu, bệnh
– Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Trong mùa khô nóng, sử dụng hệ thống phun sương và quạt thông gió làm mát để giảm bớt nhiệt độ nhằm hạn chế bọ trĩ phát triển.
– Luân phiên sử dụng thuốc trừ nhóm côn trùng chích hút bằng thuốc Actara 25WG (Thiamethoxam), Radian 60SC (Spinetoram), SK Enspray 99 (Petroleum spray oil).
– Dùng bẫy màu vàng (Thu bắt trưởng thành của bọ trĩ ), đặt bẫy cách mặt đất 20 – 25 cm, khoảng cách 15 – 20 m2/bẫy).
Bọ phấn trắng (Bemisia myricae)
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Bọ trưởng thành và bọ non chích hút nhựa cây chủ yếu là ở ngọn và các lá non, làm lá có các đốm hoặc vệt màu vàng, mật độ bọ cao có thể làm vàng cả lá, chỉ gân lá còn xanh. Ngoài tác hại trực tiếp, bọ phấn cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm (virus) cho cây.
Điều kiện phát sinh phát triển: Phát triển mạnh trong các giai đoạn ẩm ướt và bón nhiều đạm.
Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh các loại cỏ dại xung quanh nhà màng là nơi ký chủ của bọ phấn nhằm hạn chế xâm nhập vào bên trong nhà màng.
– Ngắt bỏ các bộ phận bị hại
– Luân phiên sử dụng thuốc hóa học khi sâu non xuất hiện: Actara 25WG (Thiamethoxam), Sokupi 0,36SL (Matrine), Elsin 10EC (Nitenpyram), Acnipyram 50WP (Nitenpyram), LKSet – Up70WG (Nitenpyram + Pymetrozine), MAP Green 10AS (Citrus oil), BioRepel 10 SL (Garlic juice), Bralic – Dầu Tỏi 1.25SL(Garlic juice), Biosun 3EW (Pyrethrins + Rotenone).
– Có thể sử dụng ong ký sinh ngoài tự nhiên hoặc thuốc Admire 050EC (Imidacloprid) phun ở mặt dưới lá để phòng trị và bảo tồn ong ký sinh.
– Dùng bẫy màu vàng (Thu bắt trưởng thành của bọ phấn trắng ), đặt bẫy cách mặt đất 20 – 25 cm, khoảng cách 15 – 20 m2/bẫy)
– Lưu ý đảm bảo thời gian cách ly thuốc khi sử dụng.
10. Thu hoạch, đóng gói, bảo quản
Đối với cà chua bi có thể thu hoạch cả chùm quả hoặc thu hoạch từng quả rời. Khi thu hoạch cả chùm thì thu hoạch tại thời điểm các quả chín trong chùm đạt 90% số quả.Sản phẩm sau thu hoạch phải đảm bảo các dư lượng (đạm Nitrat, kim loại nặng, thuốc BVTV, vi sinh vật) dưới ngưỡng cho phép (theo Quyết định số 867/ 1998/ QĐ-BYT của Bộ Y tế), mẫu mã đẹp.Thời điểm thu hoạch cà chua bi tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi thu hoạch, vận chuyển ngay vào nhà sơ chế hoặc nơi thoáng mát để phân loại, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ sớm nhất.
Thiết bị thùng chứa và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải được làm từ những chất không độc hại, đảm bảo sạch sẽ và không nên quá lớn.
Trước khi dùng bao bì đóng gói: Loại bỏ các quả bị sâu bệnh, xay sát. Việc ghi nhãn theoquy định tại quyết định 178/199/QĐ/TTG ngày 20/09/1999 của Thủ tướng chính phủ về quy chế ghi nhãn mác hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thông tư số 15/2000/TT/BTY ngày 30/06/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa thực phẩm. Trường hợp đóng gói tại nhà sơ chế cần phân loại các loại trái, bỏ những trái xấu hoặc quá chín. Đóng gói trong bao bì sạch có lỗ thông hơi. Bảo quản nơi thoáng mát hoặc ở nhiệt độ thấp nếu đóng góitrong bao bì kín.
11. Vận chuyển
Cần kiểm tra các phương tiện vận chuyển trước khi xếp thùng chứa sản phẩm, đảm bảo sạch sẽ.
Sản phẩm cần được bảo vệ trong quá trình vận chuyển nhầm đảm bảo chỉ tiêu về chất lượng và hình thức rau đạt VietGAP.
12. Ghi chép dữ liệu
Ghi chép đầy đủ dữ liệu trong sổ tay ghi chép để dễ dàng kiểm tra và giải quyết sự cố xảyra như: Điều kiện thời tiết mưa nắng; Ngày làm đất cách xử lý đất; Tên giống ngày mua, ngàygieo trồng, ngày tỉa cây; Ngày bón phân, phun thuốc, loại thuốc, loại phân; Tưới nước, nhỏ cỏ vàcác chăm sóc khác; Ngày thu hoạch, diện tích thu hoạch, số lượng thu hoạch; Những sự cố, vấnđề xảy ra trong suốt quá trình trồng, thu hoạch, vận chuyển.