EVFTA: TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ TRUY XUẤT NGUỐC GỐC – HÀNG RÀO KỸ THUẬT CHO NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀO THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU

EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam (chủ yếu là nông sản) được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay.
Khi thuế về 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật là điều quan trọng nhất. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp. GlobalG.A.P. hiện là tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm vào được các siêu thị ở EU, vì thế doanh nghiệp Việt phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo GlobalG.A.P. và HACCP

Việc EU công nhận bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý thông qua Hiệp định EVFTA mới chỉ là bước đầu để xuất khẩu nông sản vào EU, theo nhận định của các chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ. Bản chất của vấn đề là sau khi có được giấy thông hành rồi, chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm thì mới tiến được vào thị trường khó tính như châu Âu. Hàng loạt các quy định, yêu cầu của họ rất khắt khe, nhất là các quy định về các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thực phẩm

Cụ thể, EU yêu cầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalG.A.P. (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn, tương tự hệ thống quản lý chất lượng ISO). Đây là thách thức không nhỏ với Việt Nam bởi hiện nay, tỉ lệ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam theo VietGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam) còn chưa nhiều, chưa nói đến tiêu chuẩn cao hơn là GlobalG.A.P.. Tiêu chuẩn GlobalG.A.P. yêu cầu người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến bởi GlobalG.A.P. tập trung vào yếu tố an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ thông tin trong quá trình sản xuất như làm sạch đất, chọn giống cây trồng vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… đều phải ghi lại. Ngoài ra, GlobalG.A.P. cũng đề cập đến các tiêu chí khác như phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường…, tổng cộng hơn 200 tiêu chí. Bên cạnh đó, việc thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. cần các doanh nghiệp chú ý đến những quy định hết sức nghiêm ngặt trong việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật của EU.

Đồng thời, nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.

Cụ thể, EU đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong và trên thực phẩm.Việc tuân thủ nghiêm ngặt các MRLs và ngăn ngừa vi khuẩn lây nhiễm là những điều kiện tiên quyết để vào thị trường châu Âu.

Áp dụng nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ khi EVFTA có hiệu lực

Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước xuất khẩu hàng hòa ngày càng chặt chẻ và khắt khe hơn, nguy cơ hàng việt bị “mượn danh” xuất sang EU.

Truy xuất nguồn gốc đang là một yêu cầu ngày càng trở nên phổ biến với hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu (EU), đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hiện nay, các phương tiện truy xuất nguồn gốc điện tử như QRCode, Blockchain… sẽ hỗ trợ rất tốt cho chúng ta tránh bị làm giả, làm nhái.

Và khi minh bạch được thông tin, việc bôi nhọ hay cạnh tranh không lành mạnh sẽ ít rủi ro hơn vì chúng ta đã có bằng chứng cụ thể.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese