HỆ THỐNG NÔNG LÂM KẾT HỢP (P2)

Mô hình nông lâm kết hợp – cảnh quan (nguồn: internet)

Ở Việt Nam, hệ thống nông lâm kết được phân thành các hệ:

Hệ nông lâm kết hợp

Mục tiêu của hệ canh tác này là sản xuất nông nghiệp; các loài cây gỗ kết hợp ở các phương thức cụ thể trong hệ thống nhằm phát huy các tác dụng phòng hộ của cây lâm nghiệp như chắn sóng, chắn gió, chống cát bay, hạn chế xói mòn… Về nguyên tắc, các cây thân gỗ lâm nghiệp không được làm giảm năng suất cây nông nghiệp.

Hệ lâm nông kết hợp

Trong hệ thống này, mục tiêu lâm nghiệp là chính, như: cung cấp gỗ, củi, tre, nứa. … Cây nông nghiệp có tác dụng hỗ trợ cho cây lâm nghiệp và giải quyết một phần lương thực, thực phẩm thiếu hụt. Các cây nông nghiệp có tác dụng hạn chế cỏ dại, xói mòn và gián tiếp bảo vệ các cây lâm nghiệp.

  • Xen cây lương thực, thực phẩm, dược liệu giai đoạn trước khi rừng khép tán.
  • Xen cây lương thực, thực phẩm, dược liệu sau khi rừng khép tán.
  • Xen cây lương thực, thực phẩm, dược liệu trong cả hai giai đoạn trước và sau khi rừng.
Hệ nông lâm súc kết hợp

 Đây là một hệ thống được áp dụng ở quy mô và mức độ khác nhau. Các cây gỗ thường phân tán trên các bãi chăn thả hoặc được trồng trên ranh giới các ô đất (thường là hình chữ nhật hoặc là hình vuông) với tác dụng bảo vệ cho ruộng lúa, hoa màu hoặc các bãi cỏ. Ở một số địa phương kết hợp trồng luồng với chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò…) như ở Thanh Hoá, Hoà Bình, ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhân dân còn nuôi hươu sao để lấy nhung; ở nhiều tỉnh khác người dân kết hợp nuôi dê dưới tán rừng trồng; ở Tây Nguyên đồng bào dân tộc còn thuần hoá và nuôi voi.

  • Lâm súc kết hợp với nông nghiệp
  • Nông lâm súc kết hợp
  • Chăn thả dưới tán rừng
  • Đồng cỏ xen cây gỗ che bóng
Hệ canh tác các loài cây thân gỗ đa tác dụng

Trong hệ thống canh tác này việc tuyển chọn các loài cây có nhiều tác dụng phải dựa vào kinh nghiệm và truyền thống canh tác của nhân dân ở từng địa phương. Ngoài những tác dụng có giá trị cung cấp như: thực phẩm, chất đốt, gỗ gia dụng, dược liệu, thương phẩm… chúng còn có tác dụng đặc biệt quan trọng là cải tạo đất, hạn chế xói mòn và cải thiện môi trường sinh thái. Đây là một hệ thống canh tác đòi hỏi có sự kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong nông nghiệp với các quy luật kết cấu cây lâm nghiệp về mặt không gian và thời gian.

  • Cây công nghiệp thân gỗ sống lâu năm
  • Cây ăn quả thân gỗ
  • Rừng cung cấp thực phẩm, dược liệu, củi, thức ăn gia súc
Hệ lâm ngư kết hợp

Rừng ngập mặn Việt Nam có tới 30 loài cây cho gỗ, củi; 21 loài cây làm dược liệu; 21 loài cây có hoa nuôi ong mật; 14 loài cây cho tanin; 24 loài cây cho phân xanh cải tạo đất. Rừng ngập mặn (Mangrove) là một hệ sinh thái chuyển tiếp giữa hệ sinh thái đất liền và hệ sinh thái biển. Tiềm năng sinh học của hệ sinh thái này rất lớn và phong phú. Các trạng thái rừng ngập mặn được đánh giá là môi trường tốt nhất để nuôi trồng thuỷ hải sản. Phát huy thế mạnh này, ngoài những giá trị cung cấp, các cây gỗ rừng ngập mặn còn có giá trị phòng hộ và mở mang thêm diện tích nhờ có quá trình cố định và lắng đọng phù sa bởi có cấu tạo của hệ rễ “cà kheo” của phần lớn các loài cây gỗ rừng ngập mặn.

  • Rừng tràm + cá + ong
  • Rừng ngập mặn + hải sản
Hệ canh tác lâm ngư nông

 Trong qua trình diễn thế rừng ngập mặn, rừng tràm (Melaleuca leucadendron) được coi là giai đoạn cuối cùng khi đất không chịu ảnh hưởng của thuỷ triều và đã rắn chắc lại nhưng hàng năm vẫn bị ngập nước vào mùa lũ, đất ở giai đoạn này thường có pH rất thấp và độ nhiễm mặn cao. Thực vật ưu thế là cỏ năn (Eleocharis dulis) ở hệ canh tác này người ta đã cải tạo đất bằng cây tràm với các hệ thống kênh, mương dẫn nước ngọt để nuôi tôm cá, vừa “sổ phèn” lấy đất sạ lúa và trồng các cây ăn quả khác. Trong các khu vực rừng tràm còn có thể kết hợp nuôi ong. Ngoài cây tràm một số loài cây gỗ khác như bạch đàn trắng (Eucalyptus spp); điều (Ancardium occdentale) … cũng được trồng trên các bờ kênh.

  • Rừng tràm + lúa nước
  • Rừng tràm + cây gỗ + hải sản
Hệ kinh doanh Ong mật và các cây thân gỗ

Hệ thống kinh doanh này không chỉ áp dụng riêng ở các rừng ngập mặn, rừng tràm, mà còn được áp dụng rất có hiệu quả ở các vùng phân bố các loài cây ăn quả trồng tập trung, như các kiểu vườn cây ăn quả ở Lái Thiêu.

  • Rừng ngập mặn + ong
  • Rừng tràm + ong
  • Bạch đàn + ong
  • Vườn quả, vườn rừng + ong
Hệ nông lâm ngư súc kết hợp trên địa bàn rộng

Đây là một hệ thống canh tác kết hợp nhằm tận dụng một cách triệt để tiềm năng sản xuất của một vùng (có thể là các đơn vị hành chính: huyện, xã, thôn) thậm chí là từng quả đồi. Vấn đề là để có được sự cân bằng sinh thái trong cả khu vực phải xuất phát từ mối quan hệ tương tác giữa từng hệ sinh thái riêng lẻ với nhau. Trong mối quan hệ này để thiết lập nên cân bằng sinh thái nói chung, các cây lâm nghiệp (Hay nói đúng hơn là hệ sinh thái rừng) phải giữ vai trò chủ đạo. Để làm được điều này vấn đề quy hoạch sản xuất tổng thể và tổ chức lại sản xuất trên vùng lãnh thổ cụ thể là rất quan trọng. (theo cẩm nang ngành lâm nghiệp của Bộ NN – PTNN)

Mô hình sắn – cao su (nguồn: internet)
Nông lâm kết hợp điển hình ở ĐBSCL (nguồn: internet)
Mô hình trồng rừng kết hợp với nuôi tôm ở vùng ven biển (nguồn: internet)

Lợi ích

  • Tăng sự đa dạng sinh học từ hệ thống mang lại
  • Giảm nghèo đói qua việc tăng sản xuất gỗ và nông sản khác cho tiêu dùng và hàng hóa.
  • Góp phần vào an ninh lương thực bằng cách khôi phục độ phì nhiêu cho đất trồng cây lương thực.
  • Hạn chế quá trình rửa trôi và xói mòn đất trồng, góp phần làm sạch nguồn nước thông qua việc giảm chất dinh dưỡng và đất chảy tràn.
  • Chống lại sự nóng lên toàn cầu và nguy cơ đói nghèo bằng cách tăng số lượng cây chịu hạn và sản xuất các loại trái cây, các loại hạt và các loại dầu ăn.
  • Giảm tình trạng phá rừng và áp lực lên rừng bằng cách cung cấp thêm củi đốt, chất đốt từ trang trại.
  • Giảm hoặc loại bỏ sự phụ thuộc vào các hóa chất nông nghiệp độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, vv).
  • Tăng đầu ra cho sản phẩm từ trang trại đa dạng hơn, cải thiện dinh dưỡng trong thực phẩm cung cấp cho con người và vật nuôi.
  • Trong trường hợp bị hạn chế về y tế do khoảng cách tới các cơ sở y tế và điều kiện tài chính kinh tế eo hẹp thì nông lâm kết hợp cũng tạo thêm không gian cho phát triển cây thuốc và mô hình vườn thuốc chữa bệnh.
  • Tăng tính ổn định cây trồng.
  • Tăng khả năng chống hạn hán và thiếu nước vào mùa khô.
  • Tăng cường quản lý chất thải sinh học.

Phương thức nông lâm kết hợp cũng đem lại nhiều mục tiêu môi trường khác như:

  • Tăng hấp thụ Carbon.
  • Giảm tiếng ồn, bụi và mùi ô nhiễm không khí. Mùi, bụi, và giảm tiếng ồn.
  • Tăng không gian xanh và thẩm mỹ thị giác.
  • Nâng cao hoặc duy trì môi trường sống động vật hoang dã.
  • Tằng cường đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mô hình ruộng bậc thang – dừa – chuối (nguồn: internet)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese