KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY DƯA HẤU

1. Giới thiệu

Cây dưa hấu có tên khoa học là Citrullus lanatus Thunberg, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae. Dưa hấu được trồng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ân Độ, Hoa Kỳ…  Ở nước ta, dưa hấu là loại trái không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền.

The Truth About BroScience — Lee Hayward’s Total Fitness Bodybuilding buying steroids online in usa men bodybuilding indian tubeDưa hấu có giá trị dinh dưỡng cao. Trong trái dưa hấu chứa 90% nước, protein, lipit, carbonhydrat, caroten, đường, các chất khoáng như calcium, phospho, sắt, các vitamin như Thiamin (B1), Riboflavin (B2), Niaxin (B3), Acide ascorbic (C)….

Ảnh nguồn Internet

 2. Đặc điểm thực vật học dưa hấu

– Thân cây: Dưa hấu thuộc cây hằng niên, thân thảo, mềm, dạng bò. Trên thân có nhiều lông tơ màu trắng. Thân có chồi nách và vòi bám. Chồi nách có khả năng phát triển thành nhánh như thân chính, chồi gần gốc phát triển mạnh hơn chồi gần ngọn.

– Lá: Có hai dạng lá là lá mầm và lá thật. Lá mầm là lá ra đầu tiên, nuôi cây trong giai đoạn đầu. Lá mầm là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự sinh trưởng của cây ở giai đoạn đầu. Lá mầm to dầy, phát triển cân đối cây sinh trưởng mạnh; lá mầm nhỏ, mỏng, mọc không cân đối cây sẽ sinh trưởng yếu. Lá thật là lá đơn, có chia thùy nhiều hay ít, sâu hay cạn tùy theo giống.

– Hoa: Là hoa đơn tính cùng cây. Hoa dưa hấu thụ phấn nhờ côn trùng. Trên cây dưa hấu hoa đực nhiều hơn hoa cái cứ 6 – 7 hoa đực thì có 1 hoa cái, hoa đực thường nở trước hoa cái.

– Trái: Có nhiều hình dạng từ hình cầu, hình trứng đến hình bầu dục, lúc còn nhỏ có nhiều lông tơ sau lớn lên lông tơ mất dần đến khi trái chín không còn lông tơ. Khi trái chín vỏ trái cứng, trên vỏ trái có đóng phấn trắng, các đường gân trên vỏ nổi rõ, vỏ láng. Vỏ trái có nhiều màu từ xanh đậm đến đen sang xanh nhạt, vàng, có sọc hoặc có hoa vân. Ruột có nhiều màu như màu đỏ, hồng, vàng nhạt, vàng nghệ.

3. Các giai đoạn sinh trưởng

3.1. Giai đoạn nẩy mầm: Được tính từ khi hạt dưa hút nước đến khi hạt mọc mầm, thời gian này mất 72 giờ. Tức là sau khi ngâm hạt giống trong nước từ 3 – 4 giờ sau đó ủ hạt giống ở nhiệt độ 28 – 30oC cho đến khi hạt nứt nanh nẩy mầm. Ở giai đoạn này gặp nhiệt độ dưới 18oC hạt không mọc mầm.

3.2. Giai đoạn cây con: Cây sinh trưởng chậm, trong 15 ngày đầu cây ra lá thật chưa chẻ thùy. Nhiệt độ thích hợp cho cây con phát triển ở giai đoạn này là 20 – 28oC, ở giai đoạn này nếu trời lạnh cây sinh trưởng kém có thể dẩn đến chết cây.

3.3. Giai đoạn sinh trưởng thân lá: Sau khi hạt mọc mầm đến tuần thứ 3 cây bắt đầu ngã ngọn bò, nách lá xuất hiện tua cuống, cây ra lá nhanh, sinh trưởng mạnh, chồi nách cũng bắt đầu mọc ra. Ở giai đoạn này cây cần cung cấp đủ nước để cây phát triển thân lá. Thời tiết ấm thích hợp cho cây dưa phát triển ở giai đoạn này.

3.4. Giai đoạn ra hoa: Khi dưa có 15 – 16 lá, hoa đực và hoa cái xuất hiện trên dây chính và dây nhánh, ở giai đoạn cây bắt đầu ra hoa, hoa đực ra trước, hoa cái ra sau. Những hoa ban đầu thường nhỏ, hoa đực nhỏ ít phấn, hoa cái có nụ nhỏ nên cần loại bỏ đợt hoa này. Khi cây đạt 16 – 18 lá, cây cho hoa cái to, nụ tròn, cuống dài, dễ thụ tinh, nụ có khả năng phát triển thành trái lớn. Sau khi trồng 25 – 30 ngày cây ra hoa rộ, thời gian ra hoa kéo dài khoảng 30 ngày nhưng cần tập trung thụ phấn bổ sung (úp nụ) trong vòng 5 – 7 ngày.

3.5. Giai đoạn hình thành trái: Sau khi thụ phấn, trái phát triển nhanh trong 15 ngày đầu, sự phát triển của thân lá giảm dần. Ở giai đoạn này cây cần cung cấp đủ nước, dinh dưỡng, Thời tiết ôn hòa, ấm áp ở giai đoạn này giúp trái phát triển tốt.

3.6. Giai đoạn trái chín: Từ khi hoa cái thụ phấn đến trái chín mất khoảng thời gian từ 30 – 35 ngày tùy theo giống. Ở giai đoạn này trái lớn chậm, có sự biến đổi mạnh ở trong trái dưa về sinh hóa như hình thành sắc tố thịt trái, tích lũy đường đến khi trái chín ngọt. Giai đoạn này cần giảm lượng nước tưới để trái tích lũy đường tốt hơn, giảm lượng phân đạm, chú ý phân kali giúp trái tích lũy đường và cải thiện phẩm chất trái.

4. Ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh  

4.1. Nhiệt độ: Dưa hấu thuộc nhóm cây ngắn ngày. Cây dưa hấu có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới nên chịu được nhiệt độ cao. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 20 – 30oC, tối thích 25 – 30oC, nhiệt độ thấp dưới 18oC cây sinh trưởng kém. Dưa hấu rất dễ trồng trong mùa nắng, trong điều kiện đủ ánh sáng, sẽ cho trái chín sớm, năng suất cao. Nhiệt độ thấp cây chậm phát triển, tỷ lệ đậu quả thấp và quả lớn chậm, chất lượng kém.

4.2. Ẩm độ: Ẩm độ cao, mưa nhiều rễ bị thối, lá vàng, thân lá dễ dập nát, dẫn đến chết cây. Điều kiện khô ráo thuận lợi cho cây phát triển. Giai đoạn cây ra trái và phát triển trái cây cần nhiều nước do đó cần cung cấp đủ nước ở giai đoạn này nếu thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trái. Ngưng tưới nước trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày khi trái gần chín để trái tích lũy nhiều đường làm tăng phẩm chất trái và độ ngọt của trái.

4.3. Ánh sáng: Dưa hấu là cây ưa sáng. Nên trồng mật độ thưa để cây nhận đủ ánh sáng để sinh trưởng, phát triển tốt, trái to, chín sớm và đạt năng suất cao. Thiếu ánh sáng thân bò dài, khó đậu trái và trái non dễ rụng, năng suất giảm.

4.4. Đất đai: Dưa hấu chịu ngập úng kém. Đất trồng dưa nên thoáng. Cần chọn đất thoát nước tốt, cơ cấu nhẹ. Đất cát pha tơi xốp, thoát nước nhanh có lợi cho bộ rễ phát triển, chất lượng dưa tốt. Các vùng đất cát gần biển, đất phù sa ven sông thích hợp để trồng dưa hấu, pH thích hợp cho cây dưa hấu phát triển là 6 – 7.

5. Yêu cầu dinh dưỡng

– Phân đạm: Giúp cây con sinh trưởng mạnh. Thời kỳ cây ra hoa, đậu trái, giúp cho trái lớn nhanh. Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, các đốt trên thân ngắn, lá nhỏ, trái nhỏ. Thừa đạm cây phát triển thân lá, sức chống chịu điều kiện ngoại cảnh của cây giảm, cây dễ bị sâu bệnh gây hại, cây khó đậu trái, trái non dễ rụng, trái chậm chín, làm giảm phẩm chất trái.

– Phân lân: Giai đoạn đầu lân giúp bộ rễ phát triển, cây đâm nhánh mạnh, mau ra hoa, dễ đậu trái. Lân còn giúp cải thiện phẩm chất trái, trái chắc hơn. Thiếu lân bộ rễ của kém phát triển, cây sinh trưởng của cây giảm, nhánh ít, năng suất trái giảm.

– Phân kali: Kali làm cứng cây, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh, tăng khả năng chống bệnh của cây. Kali thúc đẩy quá trình chuyển hóa đường ở giai đoạn trái chín nên trái được ngọt hơn. Kali còn giúp cải thiện phẩm chất trái như làm thịt trái chắc, vỏ trái cứng, trái chín nhanh, màu sắc trái đẹp, bảo quản trái được lâu hơn.

– Vôi (Ca): Thiếu canxi, bộ rễ của cây kém phát triển hoặc bị hư hại, trái bị thối.

– Magiê (Mg): Cần thiết trong sinh trưởng và phát triển của cây dưa hấu. Thiếu magiê cây đậu trái kém.

– Ngoài ra còn có thể sử dụng các chất kích thích ra rễ, phân bón qua lá, chất điều hòa sinh trưởng… để kích thích bộ rễ phát triển nhanh, cây phát triển, tăng năng suất và phẩm chất trái.

6. Kỹ thuật canh tác

6.1. Thời vụ

Dưa có khả năng thích nghi rất lớn với điều kiện thời tiết nên có thể mở rộng thời vụ gieo trồng quanh năm, tuy nhiên có thể trồng các vụ chính như sau:

– Dưa hấu sớm – Noel: Gieo từ đầu đến giữa tháng 10 dương lịch, giai đoạn cây còn nhỏ dễ gặp mưa ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

– Dưa hấu chính vụ – Tết: Tính thời gian gieo hạt để thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán. Gieo trồng vào cuối tháng 11- đầu tháng 12. Vụ này thời tiết thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển, ra hoa, đậu trái nhưng dễ bị bọ trĩ gây hại do chúng lan truyền từ vụ dưa hấu Noel.

– Dưa sau tết: Gieo hạt sau tết Âm lịch, thu hoạch vào tháng 4 tháng 5. Tùy theo điều kiện từng vùng mà thời vụ gieo trồng có khác nhau. Ở vụ này thời tiết khô ráo thích hợp cho cây dưa phát triển dễ đạt năng suất cao.

   Phân nhóm giống dưa hấu

Nhóm giống Thời gian sinh trưởng (ngày)
Vụ Xuân Vụ Hè Vụ Thu
Ngắn ngày 70 60 65
Trung ngày 75 65 70
Dài ngày 90 75 80

6.2. Làm đất

Làm đất tơi xốp trước khi trồng cho bộ rễ dưa hấu phát triển. Bón vôi để tiêu diệt nguồn bệnh trong đất, sau đó lên liếp. Liếp đơn rộng 2,5 – 3m, liếp đôi rộng 4,5 – 6m, rãnh rộng 30 – 50cm, sâu 25cm. Giữ mực nước trong mương tưới thấp hơn mặt liếp ít nhất 15cm.

6.3. Chọn giống

– Giống Sugar baby: Trên thị trường là giống nhập từ Mỹ (Sunblest, Harris Moran, Eagle), Thái Lan (Chia Tai, Trái Bầu). Trong nhiều năm qua giống Sugar baby được trồng rất phổ biến, nhất là để chưng Tết. Trái tròn, trung bình 3-5 kg, vỏ màu xanh đen, ruột đỏ, thời gian sinh trưởng 65-70 ngày, đây là giống thụ phấn tự do.

– Giống An Tiêm 95: Là dưa hấu lai F1, trái to, tròn, nặng 7-8 kg, vỏ đen có gân đậm, ruột đỏ, ngon ngọt. Chống chịu tốt với bệnh đốm lá gốc, nứt thân chảy mủ do nấm Mycosphaerella melonis và bệnh sương mai do nấm Phytophthora melonis. Cho thu hoạch 70 ngày sau khi gieo. Trái đều, năng suất vượt trội hơn giống Sugar baby nhập khoảng 20%. Thích nghi rộng với điều kiện thời tiết, đất đai khác nhau, nên rất thích hợp canh tác trong vụ Noel và dưa trồng sau tết.

– Giống Hello 27: Sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng, kháng bệnh tốt. Trái dài màu xanh đen, sọc mờ, vỏ dày trung bình, nặng từ 4-6 kg. thu hoạch từ 58-62 ngày sau gieo. Năng suất 30-40 tấn/ha.

– Giống Ruby 39: Sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng, kháng bệnh tốt. Trái hình oval, sọc lem, vỏ mỏng trung bình, nặng từ 3-5kg. trồng quanh năm. Thu hoạch từ 56-64 ngày sau gieo. Năng suất 25-35 tấn/ha.

– Giống Thoại Bảo 1273: Thời gian sinh trưởng 60-65 ngày, trái hình tròn cao, vỏ xanh đen có sọc đen mờ. Vỏ cứng, thuận tiện cho bảo quản và vận chuyển. Ruột màu đỏ tươi, chắc thịt, độ ngọt cao. Trọng lượng trung bình 8 kg/trái, năng suất 30-35 tấn/ha. Khả năng chống chịu bệnh thán thư tốt.

– Giống Lucky 01: Sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng, kháng bệnh tốt. trái dài màu xanh đen, sọc mờ, vỏ dày trung bình, nặng từ 4-6 kg. Thu hoạch từ 58-62 ngày sau gieo. Năng suất 30-40 tấn/ha.

* Các giống dưa có triển vọng trồng được quanh năm:

– Giống An Tiêm 103: sinh trưởng mạnh, chống chịu bệnh tốt, thích nghi rộng, dễ ra hoa đậu trái. Trồng được mùa nắng và mùa mưa. Trái dài, nặng 3-4kg/trái, vỏ đen có sọc mờ, ruột chắc, đỏ đẹp, rất ngon ngọt. thu trái 55-60 ngày sau gieo sạ, chịu được vận chuyển xa. Năng suất 25-30 tấn/ha.

– Hắc Mỹ Nhân 1430 và 308: Cây phát triển mạnh, lá lớn, khả năng chống chịu bệnh cao. Thời gian sinh trưởng 50-55 ngày, trái hình bầu dục dài, vỏ màu xanh đậm, có vân xanh đậm hơn, vỏ cứng thích hợp cho bảo quản và vận chuyển xa. Ruột màu đỏ tươi, đặc và mịn, nhiều nước, độ ngọt cao. Trọng lượng trung bình 2,5-3,5 kg, có thể trồng được quanh năm, nhiệt độ càng cao thì càng phát huy được ưu điểm của giống. Thích hợp trên nhiều loại đất.

– Tiểu Long 246 (F1): Thời gian sinh trưởng 58-62 ngày tùy theo thời tiết. Dạng trái tròn dài hình oval, vỏ màu xanh nhạt sọc thưa xanh đậm trung bình. Ruột đỏ, đẹp, chắc thịt, độ đường cao, chất lượng đặc biệt. Trọng lượng trái trung bình 3,5-4 kg. Phát triển mạnh, kháng sâu bệnh tốt, có thể trồng được trong mùa mưa ít và mùa nắng.

– Xuân Lan 130 (F1): Thời gian sinh trưởng 58-60 ngày. Dạng trái tròn dài, vỏ màu xanh nhạt, có sọc thưa màu xanh đạm, chắc thịt, ngọt. Trọng lượng trái trung bình 3,5-4 kg. Kháng sâu bệnh tốt, có thể trồng được quanh năm.

– Bảo Long TN 467: Thời gian sinh trưởng 58-60 ngày. Dạng trái oval, vỏ màu xanh đen sọc đậm thưa, vỏ mỏng, ruột đỏ đậm chắc thịt, rất ngọt. Năng suất trái trung bình 25-32 tấn/ha. Kháng sâu bệnh tốt, có thể trồng được quanh năm.

– Thành Long TN 522: Thời gian sinh trưởng 55-58 ngày. Dạng trái oval, vỏ sọc lem, mỏng, ruột đỏ đậm chắc thịt, độ ngọt rất cao. Năng suất trái trung bình 25-30 tấn/ha, có thể trồng được quanh năm.

Các giống lai (F1) không thể sử dụng hột trong trái thương phẩm làm giống cho mùa sau

6.4. Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng dưa hấu phải có độ phì đồng đều, bằng phẳng, ít chua hoặc trung tính, tốt nhất nên chọn đất nhẹ, được luân canh với cây họ khác. Cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Không được canh tác dưa hấu liên tục nhiều năm trên cùng nền đất, để tránh bệnh héo rũ, chạy dây, nứt thân. Tốt nhất nên chọn đất mới, sau khi trồng 1 – 2 vụ nên luân canh cây trồng khác.

Cày bừa phơi đất trước khi xuống giống 7 – 10 ngày làm cho đất tơi xốp thuận lợi cho bộ rễ dưa phát triển, kết hợp với bón vôi để tiêu diệt nguồn bệnh trong đất, sau đó lên liếp. Liếp đơn rộng 2,5 – 3m, liếp đôi rộng 4,5 – 6m, rãnh rộng 30 – 50cm, sâu 25cm. Giữ mực nước trong mương tưới thấp hơn mặt liếp ít nhất 15cm.

6.5. Xử lý hạt giống

Đề phòng bệnh do nấm, vi khuẩn có sẵn trong hạt hoặc tấn công cây con lúc mới gieo nên trộn hạt với Pro-Thiram 80WP; Benomyl (Bemyl 50WP,…);…..

Phơi ngoài nắng nhẹ vài giờ, rồi ngâm hột trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh khoảng 2 – 4 giờ. Nên ủ cho nẩy mầm trước khi gieo để giúp hột giống nảy mầm nhanh và đều. Rửa sạch, dùng vải gói hạt vùi trong tro trấu hoặc rơm rạ, nơi có ánh nắng đầy đủ, tưới nước giữ ẩm thường xuyên, sau 36-48 giờ hột sẽ nhú mầm.

6.6. Cách gieo hạt

– Gieo trong bầu: Cần 50 – 60 g hột giống cho 1.000 m2 đất. Làm bầu chiều ngang 5 cm và chiều cao 7 cm. Chất liệu để vô bầu gồm đất mịn, phân chuồng hoai, tro trấu tỉ lệ bằng nhau. Khi hạt giống nẩy mầm đem gieo vào bầu và phủ lên trên một lớp tro trấu. Dùng bầu bằng nilon phải có đục lỗ thoát nước. Nếu gieo trong bầu lá chuối nền phải đổ một lớp tro trấu dày 5-10 cm để tránh đứt rễ khi nhổ vì bộ rễ phụ dưa hấu tái sinh kém. Dưa hấu gieo trong bầu cây sinh trưởng đồng đều, ít hao cây con, nhưng tốn công làm bầu, rễ không phát triển sâu. Khi cây mọc khoảng 80% thì loại bỏ những cây mọc chậm. Cần dự trù 10-15% bầu để trồng dặm. Vườn ươm phải chọn nơi có nhiều ánh sáng và không được đọng nước, bên dưới.

Gieo trong bầu có ưu điểm là cây sinh trưởng đồng đều, ít hao cây con, thời gian làm đất kỹ lưỡng nhưng rễ không phát triển sâu

– Gieo thẳng: Lượng hạt giống để trồng 1.000 m2 đất khoảng 80 – 100 g. Gieo 2 hạt/lỗ, sâu 1-2 cm. Phủ một lớp tro trấu hay rơm lên trên. Khi cây mọc 3 – 4 lá, tỉa và chừa 1 lại cây khỏe. Cách gieo này có ưu điểm là rễ mọc sâu, cây sinh trưởng mạnh, không mất sức nhưng khó chăm sóc, gặp mưa to cây con hư nhiều

6.7. Trồng cây

Cây con được 7-10 ngày, đem trồng ra ruộng. Cần loại bỏ cây con yếu, phát triển không bình thường. Đào hốc sâu 5-7 cm, rộng 10 cm, bón phân lót, phía trên rải một lớp đất mịn và tro trấu.

Pha Copper B nồng độ 4% tưới lên hố phòng ngừa bệnh trước khi đặt cây con hoặc gieo hột thẳng.

Có thể rải thuốc hóa học như: Diazan xung quanh gốc ngừa dế, sâu non cắn phá cây con. Để tránh cây con bị đọng nước khi gặp mưa đáy bầu nên đặt cạn. Để dưa có trái to trong dịp tết, nên trồng thưa, khoảng cách giữa các cây khoảng 70 cm (mật độ 5.000 cây/ha).

6.8. Bón phân

– Lượng bón (1 ha):

Phân chuồng 15-20 tấn, hoặc phân hữu cơ vi sinh với lượng quy đổi tương đương

Phân vô cơ: 120 – 150 kg N + 100 – 120 kg P2O5 + 120 – 150 kg K2O.

– Cách bón

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + toàn bộ phân lân +1/4 phân đạm + 1/3 phân kali

Bón thúc lần 1 (khi cây ngả ngọn): Bón 1 /4 lượng phân đạm

Bón thúc lần 2 (khi cây đậu quả): Bón 1 /4 lượng phân đạm + 1/3 lượng phân Kali

Bón thúc lần 3: Bón toàn bộ lượng phân đạm và phân kali còn lại. Có thể bón hoặc tưới trước khi thu hoạch quả ít nhất 15 ngày

6.9. Chăm sóc  

+ Tưới nước

– Từ khi trồng – 2 tuần sau khi trồng: Bộ rễ còn nhỏ, ăn cạn, dùng vòi sen để tưới. Sau khi trồng cây con sinh trưởng chậm hơn trồng bên ngoài, để làm giảm nhiệt độ mặt đất và không khí xung quanh cây con cần tưới nước đều khắp mặt luống.

– Sau 2 tuần: Bộ rễ cây phát triển đầy đủ về chiều sâu và rộng. Trong mùa nắng nên tưới thấm, bơm nước vào rãnh 2 – 4 ngày một lần. Trên nền đất cát, bơm nước đầy rãnh ngang đỉnh mặt luống, nước thấm từ từ vào trong luống.

+ Sửa dây

Khi dây dưa bắt đầu bỏ vòi (20 ngày sau khi xuống bầu), tiến hành sửa và cố định vị trí bò của dây. Nên để cho các dây bò song song khắp mặt liếp theo thứ tự, không quấn chồng lên nhau làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây, gây khó khăn trong việc tuyển trái và là nơi trú ngụ của nhiều sâu bệnh hại.

+ Tỉa nhánh

Trước khi lấy trái, mỗi cây nên tỉa chừa lại 1 thân chính và 1 đến 2 dây nhánh phụ. Nên tỉa nhánh sớm khi mới vừa lú ra 5 -7 cm. Tỉa bỏ tất cả các dây ra sau để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, cũng có thể ngắt ngọn sau khi đã để trái  theo kích thước đã chọn.

+ Úp nụ (thụ phấn bổ sung)

Công việc này được thực hiện tập trung trong 7- 8 ngày, khoảng 35 – 40 ngày sau khi gieo hạt. Thời gian úp nụ khoảng 7- 9 giờ sáng trong thời kỳ hoa trổ rộ. thời gian úp nụ càng ngắn càng tốt, để các trái có cùng độ lớn, ruộng dưa đồng đều dể chăm sóc.

Lưu ý khi úp nụ dùng hoa đực và hoa cái nở trong 1 ngày. Hoa bắt đầu nở khi mặt trời mọc, thời gian thụ phấn bổ sung tốt nhất từ 7- 9 giờ sáng. Các hoa cái ở xa gốc sẽ cho trái nhỏ, chín muộn nên cần loại bỏ để cây dồn sức nuôi những trái đã úp nụ.  Ở giai đoạn này cây cần cung cấp đủ nước, dinh dưỡng, ánh sáng để tạo năng suất. Thời tiết ôn hòa, ấm áp ở giai đoạn này giúp cây ra hoa đậu trái thuận lợi.

+ Tuyển trái

Để cho trái dưa to chỉ nên để một trái/mỗi dây. Việc tuyển trái tiến hành khoảng 40 – 45 ngày sau khi gieo hạt. Khi trái bằng trái chanh chọn trái thứ 3 trên dây chính (vị trí lá thứ 14 – 20). Chọn trái đầy đặn, cuống to, dài, có nhiều lông tơ thẳng, không sâu bệnh… Tỉa bỏ tất cả các trái đậu tự nhiên, các trái ra sau. Khi trái hơi lớn, sửa cho trái đứng để trái phát triển đồng đều. Lót kê trái để hạn chế thối trái và giúp trái phát triển thuận lợi. Trong quá trình trái phát triển thỉnh thoảng xoay trở đều để trái tròn đẹp và màu vỏ xanh đều.

6.10. Thu hoạch

Dưa hấu được thu hoạch khi có độ chín 80 – 90%, khoảng 60 – 70 ngày sau khi trồng tuỳ theo điều kiện vận chuyển đến thị trường tiêu thụ xa hay gần. Cần ngưng nước 4 – 5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để dành được lâu và ít bị bể khi vận chuyển. Ngưng tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu nhằm bảo đảm phẩm chất dưa sạch cho người tiêu dùng.

Sử dụng màng phủ nông nghiệp

Màng phủ nông nghiệp chuyên dùng để phủ liếp trồng dưa rộng 1- 1,6 m, mặt trên có màu xám bạc, mặt dưới màu đen, sử dụng bình quân 2-3 vụ dưa hấu.

7.1. Mục đích của việc sử dụng màng phủ nông nghiệp

–  Hạn chế côn trùng gây hại: Mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời có tác dụng giảm bọ trĩ, rầy mềm, dòi đục lá và giảm thun đọt dưa hấu.

– Hạn chế bệnh hại: Bề mặt màng phủ ráo nhanh sau khi mưa; bộ lá cây luôn khô, thoáng, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm phấn trên lá chân.

– Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.

– Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển.

– Giữ phân bón: Giảm sự rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.

– Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.

– Hạn chế độ phèn, mặn: Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.

–  Tăng giá trị trái: Vì màng phủ cung cấp thêm ánh sáng giúp màu sắc vỏ trái đẹp, sạch, bán cao giá hơn.

Trồng dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp có thể khắc phục được một phần yếu tố bất lợi của môi trường, cải thiện phương pháp canh tác cổ truyền theo hướng công nghiệp hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

7.2. Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp

* Vật liệu và qui cách: Dùng màng phủ khổ rộng 1 – 1,6 m (dưa tết cần trái lớn, lên liếp rộng sử dụng khổ 1,4 – 1,6 m), diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuốn màng phủ là 400 m. Với dưa hấu tết cần khoảng 1 cuồn/1.000 m2. Nếu trồng dày khoảng cách giữa 2 tim mương là 3,5 thì cần 2 cuốn màng phủ. Khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.

* Lên liếp: Lên liếp cao 20 – 40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện tưới nước.

* Đậy màng phủ: Tưới đẫm nước trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp nếu như đất mịn và dẻo. Cũng có thể lấp đất tấn xung quanh mé liếp để tránh gió. Khi phủ xong không nên dùng rơm hay cỏ đậy trên màng phủ vì làm mất tác dụng phản chiếu ánh sáng.

* Đục lỗ màng phủ: Dùng lon sữa bò đường kính khoảng 10 cm, có đục lỗ thông gió xung quanh chân lon.

* Khoan lỗ mặt đất: Dùng chày tỉa khoan xuống lỗ vừa đục, chày có đường kính rộng 7-8 cm. Độ sâu tùy cách gieo hạt: Gieo thẳng (khoan lỗ cạn 2-3 cm và đầu chày ít nhọn),  đặt cây con (khoan sâu 5-7 cm và đầu chày nhọn).

* Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Copper B; Validamycin (Valivithaco, Tung vali, Validan,…);…   vào lỗ trước khi đặt cây con.

7.3. Trồng cây phủ bạt

Rải một ít đất mịn hoặc rơm hoặc trấu mục vào trong lỗ (không nên dùng nhiều tro trấu, nhất là trong mùa nắng vì sức nóng của màng phủ và của tro làm cây con phát triển yếu), tưới nước vào lỗ rồi gieo hạt hoặc đặt cây con.

Xử lý côn trùng bằng Diazan 10H, Vibasu 10H rải xung quanh gốc sau khi gieo hoặc cấy cây con.

Mọi thắc mắc xin liên hệ chúng tôi qua hotline 0917 565052 – chúng tôi tư vấn hoàn toàn miễn phí!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese