KỸ THUẬT SẢN XUẤT CÂY CHÈ CON BẰNG PHƯƠNG PHÁP GIÂM CÀNH (P2)
Thời vụ giâm cành
Về nguyên tắc, thời vụ giâm cành phụ thuộc vào thời vụ trồng mới.
– Miền bắc: hai vụ chính:
+ Vụ Đông Xuân: từ 15/12 – 15/02, tỷ lệ sống cao, nhưng thường tạo áp lực thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp.
+ Vụ Hè Thu: từ 15/06 – 30/07, tỷ lệ sống khá, không quá tập trung lao động, vật tư. Nhược điểm lớn nhất là hom chè dễ bị thối do nhiệt độ và ẩm độ cao.
– Miền nam: có thể giâm cành từ tháng 6 – 12, nhưng thường tập trung từ tháng 8 – 11.
Chọn cành, cắt hom
– Chọn cành 5 – 6 tháng tuổi, đã được bấm ngọn 7 – 10 ngày, đường kính đạt 4 – 6 mm, sạch sâu bệnh, vỏ màu xanh, khoảng 1/3 thân phía dưới màu đỏ nâu.
– Cắt hom: dùng dao hoặc kéo thật bén cắt cành giống thàng từng hom dài 3 – 4cm có một lá và một mầm nách dài không quá 5cm. Nếu mầm dài hơn 5cm thì phải bấm ngọn mầm. Vết cắt phía trên mầm có dạng vát, độ dốc xuôi theo mặt lá và cách nách lá khoảng 0,5cm. Nếu lá quá lớn thì nên cắt bớt 1/3 – ½ phiến lá để giảm bớt sự thoát hơi nước. Nên cắt hom vào buổi sáng sớm hay chiều mát.
Về chất lượng hom: tốt nhất là chọn hom bánh tẻ. Hom già thì mọc mầm chậm hơn còn hom non thì dễ bị thối.
Một số điểm cần lưu ý
– Cắt hom ngày nào giâm cành ngày đó.
– Tránh không làm dập vết cắt, làm dập hom, làm gẫy cành lá, hoặc chất đống làm ôi ngốt. Thường cắt hom vào chậu nước (có thể kết hợp xử lý hom).
– Khi cắt nên phân loại hom; cắm hom theo từng loại để dễ chăm sóc.
Xử lý hom
Trước khi cắm hom có thể xử lý hom bằng các chất kích thích sinh trưởng: 2,4-D, a-NAA, NDA, chế phẩm calus… để rút ngắn thời gian ra rể, nhưng không quan trọng lắm vì khả năng ra rể hom chè của hom chè khá mạnh.
Để bảo vệ hom, có thể xử lý đất và hom trước khi giâm bằng thuốc trừ bệnh (Benlate C, Dithane M-45…), nhất là khi giâm cành trong mùa mưa.
Cắm hom
Tốt nhất là cắm hom ngay sau khi cắt. Đất khi cắm hom phải đủ ẩm. Cắm hom sao cho nách lá cách mặt đất khoảng 0,5 – 1,0cm (cắm hom sâu quá, mầm dễ bị thối, còn cắm hom cạn quá thì hom dễ bị lung lay à ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, tỷ lệ ra rể của hom chè). Lưu ý nén chặt đất xung quanh hom.
Khi cắm hom, các phiến lá phải xuôi theo một chiều và cùng xuôi theo chiều gió thổi chính.
Có thể cắm hom lên luống hoặc cắm trực tiếp vào bầu đất hoặc cắm hom trên luống cho ra rễ rồi chuyển vào bầu đất:
– Cắm hom trực tiếp lên luống: khoảng cách giữa các hom là 10 x 6 cm (tức khoảng 160 hom.m-2). Hiện nay ít người áp dụng cách này vì tốn công bứng bầu và vận chuyển cây con khó khăn hơn, tỷ lệ cây con bị tổn thương nhiều hơn.
– Cắm hom vào bầu đất: có thể cắm 1 – 2 hom/bầu. Tại Lâm Đồng, đây là cách được sử dụng phổ biến nhất và thường người ta chỉ cắm 1 hom/bầu, ngoại trừ ở mép luống, người ta cắm dự trử một số hom để giặm sau này, nên có thể cắm 2 hom/bầu.
– Để hom ra rể trên luống rồi chuyển vô bầu. Ưu điểm: tiết kiệm được hom giống và bầu đất. Nhược: tốn công và ảnh hưởng đến sinh trưởng của hom. Hiện nay người ta cũng ít sử dụng cách giâm cành này.
Nên tưới nhẹ ngay sau khi cắm hom bằng bình phun để hom tiếp xúc tốt với đất.
Quản lý và chăm sóc vườn ươm
Tưới nước
Duy trì ẩm độ đất và ẩm độ không khí thích hợp là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của hom.
Tuỳ điều kiện khí hậu thời tiết từng vùng, từng mùa mà xây dựng chế độ tưới thích hợp, đảm bảo ẩm độ đất đạt 75 – 85%, thời gian đầu ao không khí đạt 90 – 95%.
Có thể tham khảo quy trình tưới nước cho vườn ươm chè cành của Bộ Nông nghiệp như sau:
– Giai đoạn từ 1 – 15 ngày sau cắm (NSC): tưới 2 lần/ngày bằng bình phun (cây chưa ra rễ).
– Giai đoạn từ 15 – 30 NSC: tưới 2 ngày/lần bằng bình phun hay bình odoa.
– Giai đoạn từ 30 – 60 NSC: tưới 3 ngày/lần bằng thùng odoa.
– Giai đoạn từ 60 – 90 NSC: tưới 5 ngày/lần bằng thùng odoa.
– Giai đoạn từ 90 – 120 NSC: tưới 6 ngày/lần bằng thùng odoa.
– Giai đoạn từ 120 – 180 NSC: tưới 10 – 15 ngày/lần bằng hình thức tưới ngấm.
Lượng nước tưới mỗi lần biến động tùy ẩm độ vườn ươm. Lưu ý phải đảm bảo đủ độ ẩm, nhưng cũng tránh ngập úng làm thối hom.
Điều chỉnh ánh sáng
Mục đích của việc điều chỉnh ánh sáng là để tạo điều kiện tốt nhất cho hom chè phát triển. Giai đoạn đầu hom chè chưa có rễ, phải che kín luống (để giảm hiện tượng thoát hơi nước) sau đó tháo bớt giàn che để “huấn luyện” cây con. Tùy mùa vụ giâm cành mà có thể có kỹ thuật điều chỉnh ánh sáng khác nhau.
Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp, ánh sáng trong vườn chè được điều tiết như sau:
– Vụ Đông Xuân: nhìn chung cường độ ánh sáng lớn nên cần lưu ý đến việc điều tiết cường độ chiếu sáng.
. Giai đoạn từ 1 – 6 NSC: che kín cả rãnh luống, nên mở giàn che cho thông thoáng trong những ngày râm (khó thực hiện với kiểu giàn cũ).
. Giai đoạn từ 60 – 90 NSC: không che rãnh luống.
. Giai đoạn từ 90 – 115 NSC: mở 1/3 giàn che.
. Giai đoạn từ 150 – 180 NSC: mở ½ giàn che.
– Vụ Hè Thu: trong mùa mưa, cường độ ánh sáng yếu hơn trong vụ Đông Xuân.
. Giai đoạn từ 1 – 30 NSC: che rãnh từ 7h00 đến 17h00.
. Giai đoạn từ 30 – 60 NSC: che rãnh từ 8h00 đến 16h00.
. Giai đoạn từ 60 – 90 NSC: che rãnh từ 10h00 – 15h00.
. Giai đoạn từ 90 – 120 NSC: không che rãnh và rút 1/3 giàn che.
. Giai đoạn từ 120 – 150 NSC: rút ½ giàn che.
. Sau 150 NSC: mở hẳn giàn che.
Dặm cây, phá váng, ngắt nụ và bấm ngọn
Thường xuyên kiểm tra vườn ươm và tiến hành dặm ngay những hom chết, hom bị sâu bệnh. Ngắt hết nụ và hoa trên hom chè để tập trung dinh dưỡng cho hom giâm phát triển rễ và mầm.
Khi quan sát thấy bề mặt đất bị váng chặt hoặc trước khi tưới phân 7 – 14 ngày cần xăm xỉa ngay bằng dụng cụ chuyên dùng vót nhọn để tạo sự thông thoáng cho cây chè sinh trưởng
Trước khi xuất vườn 30 ngày, tiến hành bấm ngọn những cây cao, khống chế cây ở độ cao 25 – 30 cm.
Bón phân
Về nguyên tắc, khi hom chè chưa ra rễ thì không bón phân, do đó thường người ta chỉ bón phân cho chè sau 3 tháng cắm hom. Lượng phân sử dụng thay đổi tuỳ tình trạng sinh trưởng phát triển của cây. Có thể tham khảo lượng phân dùng để bón thúc cho 1m2 vườn ươm (đơn vị tính: g) được khuyến cáo như sau:
Sulphat ammon Super lân KCl
2 tháng sau cắm 9 4 7
4 tháng sau cắm 14 6 10
6 tháng sau cắm 18 8 14
Cách bón: phân N có thể bón vào đất hoặc tưới; riêng P2O5 và K2O: nên bón vào đất. Lưu ý phải rữa lá sau khi bón phân.
Tuỳ điều kiện cụ thể có thể tăng lượng phân lên 1,5 – 2,0 lần so với lượng trên và tăng thêm 2 – 4 lần bón trong thời gian 2 – 8 tháng sễ giúp tăng tỷ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu bệnh, đặc biệt là bệnh trong vườn ươm là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của vườn ươm chè cành. Về nguyên tắc, phải thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trong vườn ươm, khi có sâu bệnh xuất hiện phải xử lý ngay. Phải thường xuyên làm vệ sinh vườn ươm, nhặt bỏ hom chết, các bộ phận bị sâu bệnh hại…
Sau khi cắm hom 7 ngày nên phun kép 2 lần (mỗi lần cách nhau 10 ngày) các thuốc sau: Comite 73EC 10ml (nếu hom chè bị nhện đỏ hại) + Manage 5WP 10 gam + Atonik 3ml hoà chung với 10 lít nước phun cho 3 vạn bầu chè. Mục đích phòng bệnh không xâm nhập vào các vết cắt hom và kích thích hình thành nhanh mô sẹo.
Sau khi cắm hom 2 tháng, hom chè bắt đầu nảy mầm và đây là thời kỳ gây hại của rầy xanh. Dùng thuốc Actra 25WG, pha 1gam/10 lít nước, phun cho 3 vạn bầu, hoặc dùng Admite 50EC, pha 10ml/10 lít nước, Padan 95SP, pha 20 gam/10 lít nước.
Thường ở 3 tháng sau khi cắm, phun Vofatox 0.2% + urea 2% với liều dùng là 1,5lít/5m2 vườn ươm. Sau đó phun mỗi tháng một lần. Có thể dùng Bordeaux 1% để xử lý khi vườn ươm xuất hiện bệnh, lượng dùng là 1,5lít/5m2 vườn ươm.
Sau 5 – 7 tháng trong vườn ươm xuất hiện bọ cánh tơ, dùng thuốc Confido 100SL, pha 10ml/10 lít nước phun cho 3 vạn bầu chè.
Khi cây chè con bị bọ xít muỗi gây hại, có thể dùng thuốc Buldok 25EC pha 15 ml/10 lít nước hoặc dùng Bestox 5EC.
Trên giống chè LDP1 và các giống chè nhập nội, trong vườn ươm thường bị nhện vàng gây hại lá và búp non, có thể dùng thuốc Comite 73EC, Nissorun 5EC hoặc Dandy 15EC, pha 20ml/10 lít nước (chú ý phun ngửa với phun cho ướt đều mặt dưới lá chè).
Trong vườn ươm còn có thể xuất hiện bệnh đốm nâu, đốm xám, thối búp, rụng lá… Cần vệ sinh vườn ươm thường xuyên kết hợp với làm cỏ. Khi thấy bệnh xuất hiện từng chòm nhỏ dùng Manage 15WP, pha 10 gam/10 lít nước hoặc dùng Daconil 500SC, Til – Super và Bordeaux để phun.
Ngoài ra để có tỷ lệ cây con xuất vườn cao, cũng cần lưu ý đến vấn đề cỏ dại trong vườn ươm.
Huấn luyện cây – Phân loại
Được tiến hành trước khi trồng 1 – 2 tháng. Đây là biện pháp điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm đất, phân bón làm cho cây sinh trưởng, phát triển cân đối và thích nghi dần với điều kiện tự nhiên.
Khi vườn ươm có > 60% những cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn (chiều cao > 20 cm) thì những cây cao cần được đưa ra ngoài rìa luống hoặc đưa ra ngoài vườn ươm (không để phên che), những cây nhỏ để sang một bên để chăm sóc theo chế độ riêng. Việc phân loại này còn giúp làm đứt những rễ cây bám sâu vào đất.
Thời gian này yêu cầu độ ẩm là 70%, chỉ nên tưới giữ ẩm và ngừng bón phân, cũng như phun thuốc kích thích cây.
Tiêu chuẩn cây con xuất vườn
– Cây con đạt 6 – 8 tháng tuổi, sạch sâu bệnh, đã được huấn luyện.
– Cây cao hơn 20 cm (nếu cao hơn 30 cm thì phải bấm ngọn trước khi trồng), có từ 6 – 8 lá thật, đường kính thân cách gốc 5 cm là 3 – 4 mm. 1/3 thân phía gốc hóa nâu.
Nếu cây non quá, sinh trưởng yếu, khi trồng ra vườn cây sẽ dễ chết. Cây già quá rễ bị xén nhiều khi bứng bầu: cây bị chột.
Bứng bầu + vận chuyển
Về nguyên tắc, cây con đưa đi trồng phải còn bầu đất nguyên vẹn, không được làm bể bầu đất (nhất là trường hợp bứng cây con từ luống ươm). Lưu ý, khi vận chuyển không để cây chè con bị héo.
Trường hợp đánh bầu cây chè con từ luống ươm, cần lưu ý ẩm độ đất: nếu đất ướt quá thì bầu không nguyên vẹn, còn đất quá rắn thì bầu cũng dễ vỡ, đứt rễ.