KỸ THUẬT SẢN XUẤT CÂY CHÈ CON BẰNG PHƯƠNG PHÁP GIÂM CÀNH (P1)

Chuẩn bị vườn chè giống

Có hai loại vườn giống: vườn giống chính quy và vườn chè lưu. Thực tế hiện nay cho thấy không có sự khác biệt lớn giữa vườn giống chính quy và vườn chè lưu.

Vườn giống chính quy

Vườn giống chính quy là vườn chè cành chuyên để thu hoạch cành giống.

Địa điểm thiết kế vườn chè giống phải đáp ứng đủ những yêu cầu về đất đai, khí hậu. Cũng lưu ý bố trí gần đường giao thông và ở trung tâm khu vực trồng chè.

Vườn giống chính quy cung cấp cành phải được trồng bằng cành của các dòng chè đã được chọn lọc kỹ (năng suất cao, phẩm chất tốt, thích nghi với vùng). Nếu sau này không sản xuất hom giống nữa, có thể đốn và chăm sóc thành vườn chè sản xuất búp bình thường.

Khoảng cách trồng: có thể trồng với khoảng cách 1,75 x 0,60 m, 1 – 2 cây con đủ tiêu chuẩn/hốc. Theo Denis Bonheure, có thể bố trí cây giống với khoảng cách 1,2 x 1,2 m; có thể trồng kiểu bình thường hay nanh sấu.

Phân bón: sử dụng phân bón cân đối, đúng kỹ thuật, đúng liều lượng, đúng thời gian cho cây làm giống; có xu hướng tăng cường phân P, K, giảm lượng N (thừa N: cành giâm ra rể kém, lá dể bị rụng):

– Phân hữu cơ: được sử dụng để bón lót trước khi trồng (bón vào khoảng tháng 12, 1). Lượng dùng: 30 tấn/ha. Ở các năm sau: hai năm bón phân hữu cơ một lần, lượng dùng 20 tấn/ha và bón vào đầu vụ.

– Phân vô cơ: thường dùng 200kg sulfat ammon, 200kg KCl, chia làm các lần bón:

. Chè dưới 3 tuổi: bón 2 lần/năm, bón vào các tháng 2 và 8;

. Chè trên 3 tuổi: bón 4 lần/năm, vào các tháng 2, 5, 8 và 10.

Các chăm sóc khác: làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh: triệt để, đúng lúc, đúng phương pháp.

Đốn tạo hình: kỹ thuật đốn tạo hình cho chè chuyên cung cấp cành giống:

– Cuối năm I (không kể thời gian vườn ươm): không đốn mà chỉ cắt tỉa tạo hình;

– Cuối năm II: đốn ở độ cao 25cm;

– Cuối năm III: đốn ở độ cao 30 – 35cm.

– Các năm sau, mỗi năm đốn cao hơn năm trước 5cm.

– Thời vụ đốn: đốn chậm hơn so với vườn sản xuất, thường đốn vào tháng 2, sau khi cắt hom vào tháng 1.

Mỗi năm có thể thu cành giống 2 lần vào các tháng 1 và 7. Nên bấm ngọn (1 tôm + 1 – 2 lá) trước khi cắt cành để tập trung dinh dưỡng cho cành giống, đồng thời kích thích các mầm nách phát động.

– Ở vụ Đông Xuân, sau khi thu hom giống vào tháng 1, tiến hành đốn vào tháng 2. Sau đó, ở đợt cành đầu tiên, hái tỉa 1 – 2 lần những búp to, cao ở giữa tán, để lại 1 – 2 lá chừa. Không hái các búp ở mép tán.

– Vụ Hè Thu, tương tự vụ Đông Xuân, tức là sau khi cắt cành vào tháng 7, tiến hành đốn nhẹ cho bằng tán, rồi cũng hái tỉa 1 – 2 đợt những búp to, cao ở giữa tán, búp ở mép tán không hái.

Phương pháp nhân giống bằng giâm hom cành chè

Vườn chè lưu

Từ những vườn chè cành đang hái búp, chọn vườn chè tốt (chọn các giống đã được khuyến cáo: TB14, LĐ97) sinh trưởng đồng đều, ít sâu bệnh, năng suất cao; ngưng hái búp và tiến hành chăm sóc theo hướng chè giống.

Trước khi thu hoạch cành giống, phải tiến hành đốn chè và chăm sóc, quản lý như với vườn giống chính quy.

Quy trình chăm sóc vườn chè giống lưu theo khuyến cáo của Công ty Chè Lâm Đồng:

– Phân bón: nên bón phân hữu cơ 2 năm/lần với lượng dùng 15 – 20 tấn/ha; phân vô cơ, NPK, bón theo tỷ lệ 1:1,2:0,8 (ví dụ: 300kg N – 360kg P2O5 – 240kg K2O).

– Đốn ở độ cao 70 – 75cm vào tháng 12 – 2.

– Các biện pháp chăm sóc khác như ở vườn chè giống chính quy.

Vườn ươm cành

Có hai loại vườn ươm:

– Vườn ươm cổ điển: hom chè được giâm trên luống đất, nên còn được gọi là vườn ươm cố định. Ngày nay, vườn ươm cổ điển hầu như không còn được sử dụng.

– Vườn ươm tiến bộ: hom chè giống được giâm trực tiếp vô bầu đất nên còn gọi là vườn ươm di động. Ưu điểm chủ yếu của loại vườn ươm này là: đất vườn ươm được chuẩn bị đúng yêu cầu, loại trừ khâu đánh bầu tốn công lại tổn hại đến cây con, di chuyển cây con dễ dàng. Hiện nay chủ yếu người ta sử dụng kiểu vườn ươm này.

12 Bụi chè PH1 được ngưng hái búp để tạo cành giống tại Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Cây Công nghiệp và Cây ăn quả Lâm Đồng
Vườn giống chè lưu tại Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Cây Công nghiệp và Cây ăn quả Lâm Đồng

Chọn vị trí xây dựng vườn ươm

– Vườn ươm được bố trí ở những vùng có điều kiện khí hậu thích hợp đối với cây chè (có ánh sáng đầy đủ, ẩm độ không khí khá cao, gió không quá lớn…). Ở vùng núi, tránh những vùng trũng, có nhiệt độ quá thấp vào mùa Đông; tránh nơi đầu gió vì dễ làm để giàn, lay gốc hom.

– Khu vực làm vườn ươm phải gần nguồn nước, gần diện tích chè sắp trồng mới, gần đường vận chuyển.

– Nên chọn đất đỏ hay vàng có cấu tượng tốt, ít chất hữu cơ; pH = 4,5 – 6,0; không bị nhiễm mầm sâu bệnh; mực nước ngầm dưới 1m (không cần thiết nếu cắm hom vào bầu). Một số nơi, để đảm bảo cho giâm cành thành công, người ta phải chở đất từ nơi khác đến để làm vườn ươm.

– Độ dốc không quá 5o.

Thiết kế giàn che

Giàn che có tác dụng điều tiết ánh sáng, nắng, mưa, gió trong vườn ươm; giữ nhiệt độ và ẩm độ không khí thích hợp cho sự phục hồi và sinh trưởng của hom giống. Ngoài ra, giàn che cũng giúp bảo vệ cây con khỏi sự phá hại của gia súc, gia cầm hay một số tác động cơ giới khác của con người.

Tùy khả năng kinh phí, trình độ kỹ thuật và vật liệu tại chổ, có thể làm giàn che với nhiều quy mô khác nhau, bằng nhiều vật liệu khác nhau (lưới polythene đen, tranh, phên – cót…). Yêu cầu chung là phải lợp kín cả khu vực vườn ươm và che kín xung quanh, nhưng phải thuận tiện và chủ động điều chỉnh ánh sáng. Xu hướng hiện nay thường làm giàn che bằng lưới polythene để thông thoáng và khỏi tốn công cất dỡ sau này (nhưng chi phí đầu tư sẽ cao).

Xét về độ cao, có 3 loại giàn che: giàn cao, thấp và sát đất.

– Giàn cao: chiền cao của giàn che cao 1,5 – 1,8 m trở lên. Ưu điểm: dễ dàng đi lại dưới giàn. Nhược: phải sử dụng cột chống to, chắc à tốn kém, chi phí cao (tuy có thể dùng 2 – 3 vụ). Thường giàn che cao được xây dựng cho toàn vườn ươm. Kiểu giàn che này được sử dụng phổ biến hiện nay tại Lâm Đồng.

– Giàn thấp: thường là giàn che cho từng luống riêng rẽ; chiều cao giàn chỉ đạt 1,0 – 1,2m. Ưu điểm: ít tốn nguyên liệu à giá rẻ; ít đỗ ngã, dễ điều khiển ánh sáng. Nhược điểm: đi lại, các thao tác chăm sóc khó khăn. Kiểu giàn che này hiện nay ít được sử dụng.

– Giàn sát đất: được xây dựng cho từng luống riêng biệt, chỉ cao 0,5 – 0,6m; chưa phổ biến ở Việt Nam do thấp à hầm (nhiệt độ và ẩm độ trong giàn che cao) à hom chè dễ bị chết.

Ngoài ra, trong từng điều kiện sản xuất cụ thể, còn có một số loại giàn đặc biệt khác được áp dụng một cách linh động tùy điều kiện từng vùng (giàn một mái, lều cọc sắt, bồ giâm cành, bể giâm cành…).

Phổ biến trong sản xuất hiện nay ở vùng chè Lâm Đồng là các loại giàn che cao bằng lưới polythene đen.

Bên dưới giàn che, vườn ươm cần được chia ô với kích thước hợp lý để dễ quản lý, chăm sóc, đi lại và vận chuyển (kích thước mỗi luống không quá 1,2m x 20,0m). Có thể kết hợp phân ô với đào rãnh tưới và tiêu nước.

Chuẩn bị môi trường giâm

Như đã trình bày ở trên, hom chè giống có thể được giâm trên liếp giâm hay giâm trong túi polythene, nhưng những yêu cầu cơ bản về môi trường giâm cành gần như giống nhau:

– Nên chọn đất cát pha sét, tơi xốp, hàm lượng chất hữu cơ thấp.

– Đất chua, pH thích hợp từ 4,5 – 5,0; có thể làm giảm pH đất bằng sulphate nhôm (15 – 20 g.m-2); không dùng đất có pH > 5,5.

Cắm hom chè trên liếp ươm

– Trong thực tế hiện nay hầu như người ta không còn giâm cành chè bằng cách này.

– Nếu là đất mới khai hoang thì cần cày ải trước 3 tháng, còn đất đã được khai hoang từ trước thì chỉ cần cày sâu 25 – 30cm, bừa nhỏ rồi lên luống theo hướng Đông – Tây (để tránh nắng hai bên luống). Kích thước luống: cao 15 – 20cm, mặt luống rộng 120cm, chiều dài luống tùy theo kích thước vườn ươm, rãnh luống rộng 60cm. Tuy nhiên, để tiện chăm sóc, chiều dài của luống không nên dài quá 20m. Yêu cầu: sau khi lên luống xong, mặt luống phải bằng phẳng, đất mặt luống phải có kết cấu tốt, tơi xốp, nhỏ, mịn.

– Nếu đất giàu chất hữu cơ, nhiều mùn thì nên phủ thêm trên mặt luống một lớp đất cái dày 8cm (thường đất cái là đất từ độ sâu 10cm trở xuống).

Một kiểu vườn ươm chè cành
Vườn ươm chè cành tại Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Cây Công nghiệp và Cây ăn quả Lâm Đồng
Chuẩn bị đất vô bầu

Cắm hom vào bầu đất

Trường hợp cắm hom vào bầu đất, thì chỉ cần làm sạch cỏ khu vực vườn ươm, rạch luống theo quy cách trên, rồi xếp các bầu đất đã chuẩn bị trước khít vào nhau thành từng luống rộng 1,2m. Nếu dùng túi polythene có đường kính 8cm thì xếp được 120 túi/m2.

Các loại bầu đất:

– Bầu 2 tầng: bầu đất có hai tầng, tầng dưới là đất giàu dinh dưỡng, phần trên là đất cái, ít chất hữu cơ. Ưu điểm: tạo điều kiện thuận lợi cho hom chè hình thành và phát triển rễ cũng như sinh trưởng về sau. Nhược điểm: tốn công. Hiện nay kiểu bầu này hầu như không còn được sử dụng.

– Bầu một tầng: hiện nay chủ yếu người ta sử dụng bầu một tầng bình thường; đất vô bầu là đất tơi xốp, ít chất dinh dưỡng.

Dù thiết kế bầu một hay hai tầng, cần phải đục lỗ thoát nước trên túi; thường người dân đục 2 lổ ở hay góc túi và 6 lổ trên thân túi polythene.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese