QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP DƯA HẤU
1. Bọ trĩ (Thrips palmi )
+ Đặc điểm hình thái
Bọ trưởng thành và bọ non rất nhỏ dài khoảng 1mm. Bọ trưởng thành có cánh là những sợi tơ mảnh, màu đen, phía cuối bụng nhọn. Bọ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.
+ Đặc điểm sinh học và tác hại
Bọ trưởng thành và bọ non sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Thiệt hại này kết hợp với triệu chứng do rệp dưa làm cho đọt non bị ngẩng đầu lên cao mà nông dân thường gọi là “bắn máy bay hay đầu lân”. Mật độ bọ trĩ cao làm cây cằn cỗi, đọt dưa chùn lại, lá vàng và khô, hoa rụng, quả ít và nhỏ. Thiệt hại này xảy ra ở những vùng chuyên canh rất trầm trọng. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm vàng virus cho dưa.
Khi nắng lên, bọ trĩ ẩn nấp trong kẽ đất hoặc rơm rạ. Bọ trĩ phát triển mạnh vào thời kỳ khô hạn, có tính kháng thuốc rất cao và mau quen thuốc. Gặp điều kiện thích hợp bọ trĩ phát triển rất nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và năng suất dưa.
Vòng đời bọ trĩ tương đối ngắn, trung bình 15-18 ngày. Bọ trĩ phá hại trên nhiều loại cây như dưa, cà, ớt…
+ Biện pháp phòng trừ
– Nên trồng đồng loạt và tránh gối vụ
– Đốt, tiêu hủy các tàn dư thực vật.
– Sử dụng màng phủ.
– Bón phân cân đối,
– Sử dụng bẫy dính màu vàng
– Thường xuyên kiểm tra ruộng để phát hiện và phòng trừ kịp thời.
– Khi mật độ bọ trĩ cao có thể phun Takare, Matrine-dịch chiết từ cây khổ sâm (Ema, Marigold,…); Vimatrine; Radiant; Thiamethoxam (Actara, Vithoxam,…); Emamectin benzoate (Actimax, Comda gold, Map Winner,….);…
2. Bọ dưa (Aulacophora similis)
+ Đặc điểm hình thái
Thành trùng có cánh cứng, màu vàng cam, hình bầu dục, dài 7- 8mm, mắt đen, râu dài. Trứng nhỏ, màu vàng xanh hoặc vàng nâu. Sâu non dạng sùng, màu trắng ngà, đầu màu nâu, chân ngực phát triển. Nhộng màu nâu nhạt, nằm trong đất, bên ngoài bao phủ một lớp kén đất.
+ Đặc điểm sinh học và tác hại
Bọ trưởng thành hoạt động chậm chạp, vào lúc sáng sớm hay chiều tối, ban ngày trời nắng ẩn nấp trong đất hoặc dưới tán lá. Trưởng thành đẻ trứng dưới đất quanh gốc cây dưa. Một con cái để khoảng 200 trứng. Trưởng thành cắn lá non đứt thành từng vòng tròn trên lá, gây thiệt hại nặng khi cây dưa còn nhỏ đến lúc cây có 4-5 lá nhám. Mật độ cao có thể làm cây dưa trụi hết lá và đọt non. Khi dưa lớn, lá có nhiều lông bọ dưa không phá hại nữa. Bọ non sống trong đất ăn rễ và cắn gốc cây, kể cả khi cây đã lớn, ra hoa, có quả làm cây sinh trưởng kém, có thể làm dây héo chết.
Bọ dưa phát triển nhiều vào mùa khô, trên các loại dưa, bầu bí. Vòng đời trung bình 35-40 ngày. Bọ trưởng thành có thể sống 10-15 ngày
+ Biện pháp phòng trừ
– Cày bừa, phơi đất diệt sâu non, nhộng.
– Để tránh lây lan sang vụ sau cần thu gom tiêu hủy cây dưa sau mùa thu hoạch, chất thành đống để dẫn dụ bọ dưa tập trung rồi phun thuốc.
– Dùng tay hoặc vợt bắt trưởng thành vào sáng sớm khi cây dưa còn nhỏ.
– Những loại thuốc được dùng để trừ bọ dưa khi mật độ cao như: Diazinon (Diaphos, Diazan, Vibasu,…);….. rải quanh gốc dưa trước khi cây ra hoa để diệt sâu non.
– Khi bọ trưởng thành phát sinh gây hại phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối, dùng các loại thuốc như: DupontTM Benevia®, Eagle, Gasrice,…
3. Rệp muội (Aphis gossypii)
+ Đặc điểm hình thái
Rệp trưởng thành và rệp non cơ thể đều rất nhỏ và mềm, dài khoảng 1mm, hình quả lê, cuối bụng có phiến đuôi và 2 ống bụng 2 bên. Màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến xanh thẫm hoặc xanh đen. Rệp trưởng thành có 2 loại có cánh và không có cánh. Dạng có cánh thường phát sinh nhiều vào cuối vụ hoặc khi mật độ cao, có khả năng di chuyển xa.
+ Đặc điểm sinh học và tác hại
Rệp muội có 2 kiểu sinh sản đơn tính đẻ ra con và sinh sản lưỡng tính có giao phối đực cái. Trong điều kiện thích hợp rệp thường sinh sản theo kiểu đơn tính đẻ ra con, mật số tăng nhanh. Một rệp cái đẻ trung bình 30-50 con.
Rệp con và rệp trưởng thành không cánh sống tập trung thành đám ở chồi và mặt dưới lá non từ khi cây dưa có 2-3 lá thật đến khi thu hoạch. Rệp chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng, cây sinh trưởng kém. Rệp muội còn là môi giới lan truyền bệnh virus cho cây dưa (khảm vàng).
Vòng đời của rệp muội ngắn, trung bình 15-20 ngày. Rệp sinh sống phá hại trên nhiều loại cây trồng như bông, dưa, khoai tây, thuốc lá…
+ Biện pháp phòng trừ
– Thu gom và tiêu hủy các phần bị rầy mềm gây hại
– Thường xuyên kiểm tra ruộng dưa để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời.
– Rệp muội có nhiều thiên địch, chỉ nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao ảnh hưởng đến năng suất. – Khi phát hiện rầy mềm gây hại có thể phun các loại thuốc sau: Abamectin (Silsau, Abatin, Brightin,… ); Dimethoate (Vidithoate,…);….
4. Sâu Khoang (Spodoptera litura)
+ Đặc điểm hình thái
Thành trùng toàn thân màu nâu vàng, trên cánh trước có nhiều đường vân màu thẫm, xung quanh viền vàng. Mép ngoài cánh có hàng chấm màu nâu đen. Cánh sau màu trắng xám, có ánh phản quang màu tím. Trứng hình bán cầu, có nhiều đường khía ngang dọc, được đẻ thành từng ổ hình bầu dục dẹt ở mặt dưới phiến lá, có lông vàng nâu che phủ. Sâu non lúc nhỏ sống tập trung ở mặt dưới phiến lá nên gọi là sâu ổ, khi lớn lên phân tán dần, mình có màu xám tro với khoang đen lớn trên phía lưng ở đốt bụng thứ nhất. Nhộng màu nâu đỏ, cuối bụng có một đôi gai ngắn.
+ Đặc điểm sinh học và tác hại
Trưởng thành hoạt động ban đêm, thích mùi chua ngọt, có thể đẻ hàng ngàn trứng. Sâu non sau khi nở sống tập trung quanh ổ trứng, gặm chất xanh của lá. Sâu tuổi lớn sống phân tán, ăn lủng lá có hình dạng bất định, hoặc cắn đứt ngang thân cây con. Sâu non phá hại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn trong lá, bụi cỏ hoặc trong đất. Sâu non hoá nhộng trong đất. Sâu có tính đa thực, phá hại trên nhiều loại cây trồng như dưa, rau, bông, đậu… Vòng đời trung bình 30-40 ngày
+ Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng
– Dùng bả chua ngọt diệt trưởng thành
– Ngắt bỏ ổ trứng, diệt ổ sâu non mới nở, bắt sâu non đang sống tập trung.
– Dùng chế phẩm BT, chỉ sử dụng thuốc hoá học khi sâu phát sinh nhiều. Nên thay đổi thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao.
– Một số thuốc trừ sâu như: Indoxacarb (DuPontTM Ammate®,….); Emamectin benzoate (Mãng xà, Map Winner, Proclaim,…);….
5. Sâu xanh ăn lá (Diaphania indica)
+ Đặc điểm hình thái
Trưởng thành là loài bướm tương đối nhỏ, thân dài khoảng 10mm, sải cánh rộng 15mm, khi đậu cánh xếp hình tam giác có vệt màu trắng ở giữa, mép cánh màu nâu đen.
Trứng nhỏ hình cầu, màu vàng nhạt, đẻ rời rạc từng quả trên đọt và lá non.
Sâu non đẫy sức dài 10-12 mm, màu xan lá cây nhạt, trên lưng có 2 sọc trắng chạy dọc cơ thể, nhộng màu nâu đen.
+ Triệu chứng
Sâu xanh ăn lá phát sinh gây hại từ khi cây dưa hấu còn nhỏ đến có quả, nhiều nhát khi cây ra hoa và có quả non.
+ Đặc điểm sinh học và tác hại
Bướm hoạt động và đẻ trứng ban đêm. Sâu non sống ở đọt và mặt dưới lá non, nhả tơ cuốn lá non lại ở trong đó cắn đọt và lá. Khi có quả non sâu gặm vỏ là quả sần sùi loang lổ. Khi đẫy sức sâu hóa nhộng trong lá cuốn lại hoặc trong lá khô trên mặt đất.
Vòng đời trung bình 25-30 ngày, trong đó thời gian sâu non 14-18 ngày.
+ Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng
– Ngắt bỏ ổ trứng, diệt ổ sâu non mới nở, bắt sâu non đang sống tập trung.
– Dùng chế phẩm BT, chỉ sử dụng thuốc hoá học khi sâu phát sinh nhiều. Nên thay đổi thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao.
– Một số thuốc trừ sâu như: Indoxacarb (DuPontTM Ammate®,….); Emamectin benzoate (Mãng xà, Map Winner, Proclaim,…);….
6. Nhện đỏ (Tetranychus urticae)
+ Đặc điểm hình thái
Nhện trưởng thành rất nhỏ, hình bầu dục, dài khoảng 0,5mm, màu đỏ hồng, có 8 chân, di chuyển nhanh. Trứng rất nhỏ, hình bán cầu, màu đỏ sẫm, nhìn qua kính phóng đại thấy chính giữa quả trứng có một sợi lông ngắn thẳng đứng. Nhện non giống trưởng thành, màu hồng.
+ Triệu chứng
Nhện non và trưởng thành sống tập trung mặt dưới lá, chích hút nhựa tạo thành các vết màu nâu vàng nhạt dọc theo 2 bên gân lá. Mật độ nhện cao còn có thể làm lá vàng, khô và rụng, cây sinh trưởng kém. Nhện còn bò sang chích hút vỏ quả non, làm quả nhỏ.
+ Đặc điểm sinh học và tác hại
Nhện trưởng thành nhả tơ giăng thành một lớp sợi mỏng ở mặt dưới lá, đẻ trứng từng quả gắn vào lớp tơ. Một con cái có thể đẻ 200 trứng.
Nhện đỏ phát triển trong điều kiện thời tiết nóng và khô, thường phát sinh phá hại nặng khi cây duwa hấu đã lớn, ra hoa, có quả.
+ Biện pháp phòng trừ
– Chăm sóc đầy đủ cho cây sinh trưởng tốt.
– Đốt, tiêu hủy các tàn dư thực vật.
– Sử dụng màng phủ.
– Bón phân cân đối,
– Thường xuyên kiểm tra ruộng để phát hiện và phòng trừ kịp thời.
– Khi mật độ nhện đỏ cao có thể phun Takare, Matrine-dịch chiết từ cây khổ sâm (Ema, Marigold,…); Vimatrine; Radiant; Emamectin benzoate (Actimax, Comda gold, Map Winner,….);…
7. Bệnh thán thư
+ Triệu chứng
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, ngoài ra có thể tấn công trên thân và quả. Bệnh thường xuất hiện ở các lá già bên dưới trước. Vết bệnh ban đầu hình tròn nhỏ, màu xanh xám; khi vết bệnh lớn xung quanh màu nâu vàng, ở giữa nâu đậm và có các đường tròn đồng tâm, vết bệnh khô và rách. Nếu trời ẩm sẽ thấy lớp bào tử hồng nơi vết bệnh. Trên thân vết bệnh có màu nâu xám, hơi lõm. Trên quả vết bệnh tròn, màu nâu đen, hơi lõm vào vỏ và cũng có bào tử hồng nơi vết bệnh. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết thành từng mảng lớn gây thối quả, úng nước.
+ Tác nhân
Do nấm Collectotrichum lagenarium
+ Điều kiện phát sinh phát triển
Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 30-40 0C. Nấm bệnh có thể lưu tồn trong tồn dư thực vật hay bám trên bề mặt hạt giống truyền bệnh sang năm sau. Bệnh thường xảy ra vào những tháng có mưa nhiều. Bào tử lây lan chủ yếu do mưa. Nấm bệnh phá hại trên nhiều loại cây họ bầu bí như dưa leo, bầu bí, khổ qua…
+ Biện pháp phòng trừ
– Tiêu hủy tàn dư thực vật sau mỗi mùa vụ.
– Ruộng bị bệnh nặng cần luân canh cây khác ít nhất 1 năm
– Không để hạt giống ở những quả bị bệnh.
– Khử hạt với Pro – Thiram, Benomyl
– Phun thuốc khi bệnh chớm phát bằng: Carbendazim (Carban, Carbenda supper, Carbenzim,…); Cymoxanil 8% + Mancozeb 64% ( DuPontTM Curzate®, Jack M9, Simolex, Xanized,…); Difenoconazole (Score,….. ); Thiophanate-Methyl (Topan, Thio – M, Top, Vithi – M);…
8. Bệnh chảy nhựa
+ Triệu chứng
Đây là bệnh khá quan trọng, nhất là trên dưa hấu. Trên lá, đốm bệnh không đều đặn, 1-2cm, lúc đầu là đốm úng nước, sau đó khô có màu nâu nhạt. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào, làm cháy lá, theo những mảng hình vòng cung, trong đó có các vòng đồng tâm nâu sậm. Tâm vết bệnh có nhiều quả thể nấm tạo thành các đốm đen bằng đầu kim. Trên thân, nhất là trên nhánh thân, đốm bầu dục, màu xám trắng, 1-2cm, hơi lõm, làm khuyết một bên thân hay nhánh. Trên vùng bệnh, nhựa màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau chuyển thành nâu đen và khô cứng. Nơi vùng bệnh, vỏ thân có thể bị nứt, trên đó cũng có mang nhiều quả thể nấm màu đen, nhỏ. Triệu chứng bệnh trên cuống quả giống như trên thân, có thể nứt và chảy nhựa, quả nhỏ hoặc rụng sớm.
+ Tác nhân
Do nấm Mycosphaerella melonis
+ Điều kiện phát sinh phát triển
Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20-30 0C. Nấm tồn tại trong tàn dư cây trồng. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển.
+ Biện pháp phòng trừ
– Tiêu hủy các cây bệnh và sau mỗi mùa vụ nên hủy bỏ các tàn dư thực vật.
– Khử khô hạt giống với Pro – Thiram.
– Phun thuốc khi bệnh chớm phát bằng: Carbendazim (Carbenzim,..); Cymoxanil 8% + Mancozeb 64% ( DuPontTM Curzate®, Jack M9, Simolex, Xanized,…); Difenoconazole (Score,….. ); Thiophanate-Methyl (Topan, Thio – M, Top, Vithi – M);…
9. Bệnh héo vàng (héo rũ, chạy dây)
+ Triệu chứng
Trên dưa hấu, bệnh thường xảy ra ở giai đoạn cây có trái non trở về sau. Nấm xâm nhập phá hoại gốc cây và rễ làm rễ bị thối đen. Nấm phát triển bên trong làm nghẽn mạch. Khi cây nhỏ bị héo như mất nước và chết khô từ đọt. Trên cây đã lớn lúc đầu có biểu hiện sinh trưởng kém, sau đó các lá biến vàng từ gốc trở lên. Cây dưa bị héo từng nhánh, cuối cùng cả cây bị héo chết. Trước khi héo, cây có thể có triệu chứng lá có màu xanh vàng từ các lá gốc lan dần lên các lá trên. Cắt ngang thân thấy mạch dẫn bên trong màu nâu đen. Ở cây đã bị nhiễm bệnh lâu, quanh gốc có đóng lớp bào tử của nấm gây bệnh có màu hồng.
+ Tác nhân
Do nấm Fusarium oxysporum.
+ Điều kiện phát sinh phát triển
Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 24-27 0C. Nấm tồn tại trong cây bệnh hay trong đất ở dạng sợi hay bào tử. Trong đất nấm có khả năng lưu tồn khá lâu. Nấm xâm nhiễm vào hệ rễ, nhất là khi rễ bị thương tổn do úng nước, do tuyến trùng hay những nguyên nhân khác. Nấm gây hại trên nhiều loại cây như dưa, cà, đậu…
+ Biện pháp phòng trừ
– Làm đất kỹ, vun gốc cao cho thoát nước, tránh để ngập úng làm tổn thương rễ
– Nhổ bỏ dây bệnh. Sau mùa vụ tiêu hủy hết xác bả thực vật. Không nên trồng liên tục dưa hấu nhiều năm trên 1 ruộng.
– Cần chú ý phòng trị tuyến trùng.
– Có thể xủ lý đất và phun hoặc tưới gốc bằng một số thuốc sau: Ningnanmycin (Bonny, Annongmycin,…); Thiophanate-Methyl (Topan, Thio – M, Top, Vithi – M, Danatan,…); Metalaxyl (Gala-super, Mataxyl, Vilaxyl,…);….
10. Bệnh lở cổ rễ (chết cây con)
+ Triệu chứng
Nấm xâm nhập vào rễ cây con làm thối cổ rễ. Chỗ vết bệnh có màu nâu đen, tóp lại, lá héo, cây đổ ngã và chết. Bệnh thường phát sinh gây hại từ khi cây mới mọc đến 2-3 lá thật.
+ Tác nhân
Do nấm Rhyzoctonia solani.
+ Điều kiện phát sinh phát triển
Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ trung bình trên 30oC. Nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng và trong đất dưới dạng hạch và sợi nấm. Hạch nấm có thể sống trong đất hàng năm. Gặp điều kiện thích hợp, hạch nấm có thể mọc ra các sợi nấm xâm nhập vào gốc cây chỗ tiếp giáp mặt đất.
Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết nắng ấm, ẩm độ cao, trên đất cát nhiều hơn đất thịt. Nấm Rhyzoctonia solani gây hại phổ biến trtên nhiều loại cây như lúa, ngô, đậu, dưa, cà…
+ Biện pháp phòng trừ
– Xới đất, vun gốc cho đất thông thoáng
– Loại bỏ các trái bệnh để tránh lây lan.
– Sử dụng thuốc Fosetyl-aluminium (Aliette, Alpine,…); Propineb (Antracol,..); Trichoderma spp (TRICÔ-ĐHCT, Vi – ĐK,…); Validamycin (Tung vali, Vali, Valivithaco, Vanicide, Vida(R),…); Carbendazim (Carban, Carbenda supper, Carbenzim,…);…
11. Bệnh sương mai (đốm phấn, mốc sương)
+ Triệu chứng
Bệnh có thể xuất hiện trên các bộ phận của cây dưa, tuy nhiên vết bệnh điển hình nhất là trên lá. Bệnh thường xuất hiện ở mặt dưới lá, lúc đầu có màu xanh tái và có hình đa giác, được giới hạn bởi các gân lá, sau đó, vết bệnh bị thâm dần, rồi bị hoại dần. Khi có ẩm độ cao thì vết bệnh sẽ xuất hiện một lớp mốc trắng. Phía mặt trên của lá lúc đầu, vết bệnh có màu sáng, sau đó chuyển sang màu nâu vàng, rồi sau cùng bị cháy khô. Bệnh có thể lan sang các bộ phận khác của cây. Khi bệnh nặng, các vết bệnh có thể liên kết lại làm cho bộ lá bị cháy từng mảng và rụng sớm. Trái của cây dưa bị bệnh sẽ nhỏ và vị nhạt, làm giảm giá trị thương phẩm.
+ Tác nhân
Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra
+ Điều kiện phát sinh phát triển
– Trước khi trồng, vườn không được vệ sinh tàn dư cây vụ trước, nhất là cây họ bầu bí.
– Vườn được trồng dưa và các cây họ bầu bí liên tục mà không được luân canh, hoặc trồng gần vườn được trồng cây họ bầu bí, dưa…
– Gieo trồng bằng giống nhiễm, trồng với mật độ dày, bón phân không cân đối và bị dư đạm, thiếu vi lượng, nên vườn cây rậm rạp, ẩm độ cao. Cây yếu nên sức đề kháng kém.
– Quản lý nước không tốt, làm cho vườn thường xuyên bị quá ẩm thấp.
– Vụ Đông Xuân thường có nhiệt độ mát hoặc hơi lạnh, ẩm độ không khí cao, ít nắng, đêm sương mù nhiều là điều kiện tối ưu cho bệnh phát triển.
+ Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh và tiêu hủy tàn dư bệnh hại trên vườn trước khi trồng, nhất là vụ trước đã trồng các cây cùng họ bầu bí.
– Không sử dụng các giống nhiễm bệnh.
– Trồng với mật độ thích hợp, tránh trồng quá dày, dễ gây rậm rạp, ẩm thấp trong vườn.
– Bón phân cân đối NPK, tăng cường các phân hữu cơ vi sinh, bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng để giúp tăng sức đề kháng của cây, như phân bón lá POLY FEED 15-15-30 ở giai đoạn hoa quả.
– Lên luống cao, phủ màng nylon và tưới tiêu nước hợp lý để vườn không bị ẩm thấp thường xuyên.
– Luân canh với cây trồng khác nếu vườn thường xuyên trồng dưa và các cây họ bầu bí.
– Trong điều kiện thời tiết âm u ít nắng, sương mù nhiều, không khí ẩm thấp và mát, thì cần phòng ngừa trước bằng sau: CLEARNER 75WP, với liều lượng 1,5 kg/ha. Lượng nước phun 400 – 500 lít/ha.
– Kiểm tra vườn dưa thường xuyên, khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên đồng thì nên phun 2 lần cách nhau 7 ngày.