SÁU CÔNG DỤNG CỦA MĂNG TÂY VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĂN
Măng tây không chỉ được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon mà còn là vị thuốc có nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh. Cùng tìm hiểu qua 6 tác dụng của măng tây sau đây.
Thông tin cần biết về măng tây
Măng tây có tên khoa học là Asparagus officinalis. Đây là loại thực vật dùng làm rau và thuốc phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Măng tây có nguồn gốc ở các nước châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Ngày nay, măng tây được trồng ở nhiều quốc gia và trở thành cây trồng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu kinh tế.
Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Bộ Y tế, trong 100gram măng tây sẽ có những thành phần dinh dưỡng chủ yếu sau đây:
Thành phần dinh dưỡng | Hàm lượng |
Nước | 93.7 g |
Năng lượng | 14 KCal |
Đạm | 2.2 g |
Chất béo | 0.1 g |
Chất đường bột | 1.1 g |
Chất xơ | 2.3 g |
Canxi | 21 mg |
Sắt | 0.9 mg |
Magie | 14 mg |
Kali | 202 mg |
Vitamin C | 10 mg |
Vitamin E | 1.13 mg |
Purin | 23 mg |
Chính nhờ những thành phần dinh dưỡng này mà măng tây được xem là thực phẩm giàu dược tính, có tác dụng phòng và chữa một số bệnh lý.
Tác dụng của măng tây đối với sức khỏe
Trên thế giới có nhiều giống măng tây khác nhau như măng tây tím, măng tây trắng và măng tây xanh. Măng tây trắng có đặc điểm là mềm hơn măng tây xanh và mùi vị dễ chịu hơn. Nhưng măng tây xanh lại chứa nhiều chất xơ hơn măng tây trắng. Còn măng tây tím thì giống măng tây trắng nhưng vị ngọt hơn 2 loại còn lại.
Măng tây có những công dụng tuyệt vời sau đây:
1.Tốt cho tim mạch
Kali, folate và chất xơ trong măng tây vừa giúp điều hòa huyết áp, giảm cholesterol trong máu và bảo vệ tim khỏe mạnh.
2. Lợi tiểu
Măng tây là loại thuốc lợi tiểu. Chính vì thế, nó được chỉ định dùng cho người bị yếu thận, người bị đau bàng quang, đau gan…
3.Tốt cho hệ hô hấp
Rễ cây măng tây có tác dụng chữa ho, viêm cổ họng, khan tiếng,…Nếu mắc những căn bệnh này, bạn có thể dùng rễ cây măng tây đem sắc nước uống để chữa trị.
4.Giảm cân
Măng tây chứa nhiều chất xơ và chứa ít chất béo bão hòa nên rất phù hợp để giảm cân.
5. Ngăn ngừa lão hóa
Măng tây có chứa một số chất chống oxy hóa gọi là glutathione. Chất này có tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời, ngăn chặn quá trình lão hóa da ở phụ nữ trung niên. Do đó, nó là lựa chọn tốt dành cho chị em phụ nữ.
6. Tốt cho đường ruột
Măng tây chứa một loại cacbohydrate có tên là inulin, chất này quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hệ thống ruột hoàn thành tốt chức năng. Inulin cũng giúp cho sự tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi cho đường ruột như Lactobacilli và Bifidobacteria. Do có nhiều chất xơ nên măng tây có tác dụng nhuận tràng.
Cách sử dụng măng tây
- Măng tây luộc hoặc hấp cách thủy là cách chế biến đơn giản và giữ được hết dưỡng chất trong măng tây.
- Măng tây cũng có thể kết hợp cùng với các thực phẩm khác như thịt, tôm,…để tạo nên các món xào, súp, salad, gỏi, nướng.
- Có thể dùng măng tây làm sinh tố hoặc nước ép hay kết hợp với các loại rau củ khác.
Những lưu ý khi sử dụng măng tây
Cũng theo sách Dinh dưỡng và Thực phẩm của bác sĩ Nguyễn Ý Đức, khi sử dụng măng tây bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Măng tây rất mau hỏng, nhất là khi không được bảo quản trong tủ lạnh nên bạn cần ăn càng sớm càng tốt sau khi mua về hoặc vừa hái xong.
- Măng đóng hộp mất nhiều dinh dưỡng và có nhiều muối nên bạn hạn chế sử dụng.
- Măng có thể để đông lạnh và vẫn giữ được vitamin C.
- Khi lựa măng bạn cần lựa măng có màu sắc tươi sáng, thân chắc.
- Nhiều người cho rằng ăn măng tây sẽ bớt bị phong thấp khớp nhưng măng tây có nhiều purine, tiền thân của acid uric. Do đó, những người bị bệnh thống phong (gout) không nên ăn nhiều măng tây.
- Măng tây đôi khi cũng làm nước tiểu có mùi hăng khó chịu nhưng nó vô hại.
- Tất cả các trường hợp dùng măng tây để chữa bệnh đều nên hỏi ý kiến của bác sĩ và tư vấn của thầy thuốc trước khi áp dụng.
Theo voh.com.vn