ĐÁNH GIÁ RỦI RO LÀ GÌ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐÁNH GIÁ RỦI RO TRONG TRANG TRẠI CỦA BẠN? (P2)
NĂM BƯỚC ĐÁNH GIÁ RỦI RO TRANG TRẠI
Bước 1: Xác định các mối nguy hiểm
Đầu tiên, bạn cần phải xác định cách thức sản phẩm, môi trường và người lao động có thể bị tổn hại. Sau đây là một số mẹo giúp nhận diện những mối nguy hiểm quan trọng:
- Đi xung quanh nơi làm việc và xem xét những gì có nguy cơ gây tổn hại (ví dụ: các tình huống, thiết bị, sản phẩm, thực hành sản xuất,…)
- Hỏi người lao động (nếu có thể) hoặc đại diện của người lao động xem họ nghĩ gì. Họ có thể đã nhận thấy một số điều có thể bạn không nhận ra ngay lập tức.
- Kiểm tra hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bản dữ liệu của hóa chất và thiết bị vì chúng có thể rất hữu ích trong việc nhận diện những mối nguy hiểm và đặt chúng vào những bối cảnh thật.
- Xem xét hồ sơ tai nạn và sự kiện trước đó – vì tác động này thường giúp xác định những mối nguy hiểm ít rõ ràng hơn. Nhớ phải cân nhắc tới những mối nguy hiểm lâu dài tới sức khỏe cũng như đến an toàn thực phẩm.
Bước 2: Quyết định xem ai/ cái gì có thể bị tổn hại và bị tổn hại như thế nào?
Đối với mỗi mối nguy hiểm, bạn cần xác định rõ ràng ai hoặc cái gì có thể bị tổn hại, điều này sẽ giúp xác định cách tốt nhất để quản lý rủi ro.
Hãy ghi nhớ:
- Một số hoạt động có những yêu cầu cụ thể (ví dụ: thu hoạch)
- Phải suy xét nhiều hơn đối với một số mối nguy hiểm, đặc biệt trong những trường hợp trong đó những cá nhân (ví dụ: người dọn dẹp, khách tham quan, nhà thầu phụ, công nhân bảo trì,…) có thể không lúc nào cũng có mặt tại nơi làm việc.
Bước 3: Đánh giá rủi ro và quyết định các biện pháp phòng ngừa
Sau khi xác định các mối nguy hiểm, bạn phải quyết định làm gì với chúng. Bạn phải làm mọi điều “phù hợp với thực tế” để bảo vệ mọi người khỏi bị tổn hại. Bạn có thể tự thực hiện được điều này hoặc nhờ sự trợ giúp từ cá nhân, tổ chức có chuyên môn phù hợp.
Đầu tiên, hãy nhìn vào những gì bạn đã làm, hãy nghĩ về những gì có thể kiểm soát được mà bạn đang có và cách thức để tổ chức thực hiện. Trong quá trình đánh giá bạn hãy cân nhắc những điều sau đây:
- Tôi có thể loại bỏ các mối nguy hiểm cùng một lúc không?
- Nếu không, làm thế nào để tôi có thể quản lý rủi ro để không gây ra bất kỳ tổn hại nào?
Khi quản lý rủi ro, nếu có thể, áp dụng các nguyên tắc dưới đây:
- Hãy thử một lựa chọn ít rủi ro hơn (ví dụ: chuyển sang sử dụng một loại hóa chất ít độc hại hơn)
- Hãy tránh tiếp xúc với mối nguy hiểm.
- Tổ chức công việc/ nhiệm vụ để giảm tiếp xúc với mối nguy hiểm.
- Phân phát thiết bị bảo vệ các nhân.
- Cung cấp các công trình phúc lợi (ví dụ: hộp cứu thương và nơi rửa tay để loại bỏ các chất gây nhiễm bẩn.)
Nâng cao sức khỏe và an toàn không cần phải mất nhiều chi phí. Ví dụ, đặt một chiếc gương tại những vị trí điểm mù nguy hiểm để giúp phòng ngừa tai nạn xe cộ là một biện pháp phòng ngừa rủi ro tốn rất ít chi phí. Không thực hiện được những biện pháp phòng ngừa đơn giản có thể làm cho bạn tốn nhiều chi phí hơn rất nhiều nếu có tai nạn xảy ra.
Hãy để nhân viên tham gia (nếu có thể), để bạn có thể chắc chắn rằng điều bạn đề nghị thực hiện sẽ phát huy tác dụng trong thực tế và không tạo nên những mối nguy hiểm mới nào.
Bước 4: Ghi chép lại kế hoạch/ kết quả làm việc và thực hiện chúng
Đưa các kết quả đánh giá rủi ro vào thực tế sẽ tạo nên sự khác biệt khi quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe và sự an toàn của người lao động và công việc kinh doanh của bạn
Ghi chép lại kết quả đánh giá, và chia sẻ chúng với nhân viên của bạn, khuyến khích họ hoàn tất việc thực hiện.
Khi ghi lại kết quả hãy viết thật đơn giản (ví dụ: ô nhiễm trong quá trình thu hoạch: nơi rửa tay tại cánh đồng)
Không mong đợi rằng việc đánh giá rủi ro phải hoàn hảo, nhưng phải phù hợp và đầy đủ. Bạn cần phải có khả năng chỉ ra rằng:
- Đã tiến hành một cuộc kiểm tra phù hợp
- Bạn đã hỏi ai hoặc cái gì có thể bị ảnh hưởng
- Bạn xử lý tất cả mọi mối nguy hiểm quan trọng
- Các biện pháp phòng ngừa hợp lý và phần rủi ro còn lại thấp, và:
- Bạn làm cho nhân việc của mình hoặc đại diện của họ tham gia (nếu cần thiết) vào quá trình
Một kế hoạch hành động tốt thường bao gồm một hỗn hợp các phản ứng khác nhau như:
- Giải pháp tạm thời cho tới khi các biện pháp kiểm soát đáng tin cậy hơn được thực hiện.
- Giải pháp lâu dài cho những rủi ro có nguy cơ cao nhất gây ra tai nạn hoặc bệnh tật.
- Giải pháp lâu dài cho những rủi ro có thể gây ra những hậu quả tồi tệ nhất.
- Sắp xếp đào tạo cho nhân viên về những rủi ro chính vẫn còn và cách thức kiểm soát những rủi ro này
- Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát luôn được thực hiện, và:
- Quy định trách nhiệm rõ ràng – ai sẽ dẫn đầu thực hiện những hành động nào và vào thời gian nào.
Hãy ghi nhớ, ưu tiên và giải quyết những điều quan trọng trước tiên. Khi bạn hoàn thành mỗi hoạt động, hãy đánh dấu nó trong kế hoạch làm việc của bạn.
Bước 5: Xem xét các đánh giá và cập nhật nếu cần thiết
Rất ít doanh nghiệp luôn duy trì một trạng thái. Sớm hay muộn, bạn sẽ mua sắm thiết bị, các vật chất và các quy trình mới có thể dẫn tới những mối nguy hiểm mới. Vì vậy, cần thiết phải liên tục xem xét những việc bạn đang làm. Hãy chính thức xem xét hàng năm xem bạn đang ở đâu so với những thực hành tốt được công nhận, để đảm bảo bạn vẫn đang cải thiện, hoặc ít nhất không thụt lùi lại phía sau
Hãy xem lại bản đánh giá rủi ro của bạn lần nữa:
- Đã có thay đổi nào chưa?
- Bạn vẫn cần phải có thêm những cải tiến nào nữa không?
- Nhân công của bạn đã phát hiện ra vấn đề hay chưa?
- Bạn đã học được điều gì từ những sự việc hoặc thất thoát gần đây không?
- Đảm bảo đánh giá rủi ro của bạn luôn được cập nhật.
Khi bạn đang điều hành một công việc kinh doanh, rất dễ quên xem xét lại việc đánh giá rủi ro – cho tới có một việc gì đó không ổn xảy ra và tất cả đã trở nên quá muộn. Vậy tại sao không lập ra một ngày xem xét bản đánh giá rủi ro ngay bây giờ? Hãy ghi lại ngày đó và ghi chú nó trong nhật ký của bạn như một sự kiện thường niên.
Trong năm, nếu có sự thay đổi quan trọng xảu ra, đừng chờ đợi, hãy kiểm tra lại bản đánh giá rủi ro và, nếu cần thiết, thay đổi nó. Nếu có thể, cách tốt nhất là hãy nghĩ tới đánh giá rủi ro khi bạn đang lên kế hoạch một sự thay đổi – bằng cách đó sẽ linh hoạt hơn rất nhiều.