QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHƯNG CẤT CÂY BẠC HÀ

Mô tả cây

Cỏ thân mềm hình vuông, mọc đứng hay mọc bò. Khi phân cành có thể cao khoảng 30 – 80 cm. Lá mọc đối, mép khía răng, hoa nhỏ màu trắng hoặc tím hồng mọc ở kẽ lá (Bạc hà Âu thì hoa mọc đầu cành). Toàn cây có lông và có tinh dầu thơm.

Cây bạc hà Nhật

Giống cây trồng

– Do cây không thể kết hạt được trong điều kiện Việt Nam, nên phương pháp nhân giống chính áp dụng trong trồng bạc hà là nhân giống vô tính, người ta thường sử dụng thân ngầm để trồng, ngoài ra có thể dùng thân bò, thân non đem trồng.

– Chọn thân ngầm có màu trắng hoặc xanh nhạt, các đốt ngắn, đường kính đốt lớn (5 mm), chiều dài mỗi đoạn hom 60 – 70 cm, rửa sạch cắt thành từng đoạn ngắn 8 – 10 cm (2 – 3 mắt) đem trồng.

– Trước khi trồng nên xử lý bằng cách ngâm vào dung dịch CuSO4 nồng độ 5 % trong thời gian 15 phút để diệt các loại nấm bệnh rồi mới đem trồng. Nếu trong điều kiện không trồng ngay thì cần bảo vệ nơi râm mát, thời gian bảo quản tối đa là 3 – 5 ngày. Lượng giống cần cho 1 ha 1000 – 1500 kg.

Thời vụ trồng

Tùy theo các vùng sinh thái khác nhau mà có thời vụ trồng khác nhau, nhưng bạc hà trồng vào mùa xuân là tốt nhất:

– Vùng núi cao do mùa rét kết thúc muộn cho nên thời vụ có thể trồng khoảng từ 25/1- 15/2.

– Vùng đồng bằng phía Bắc nên trồng từ 10/1- 5/2.

– Vùng từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào nên trồng vào cuối tháng 11.

Bố trí thời vụ trồng thích hợp để thu lứa đầu tiên vào các tháng 5, 6, 7; lứa thứ 2 thu vào tháng 8, 9; lứa thứ 3 thu vào các tháng 9, 10, 11. Riêng miền núi chỉ thu được hai lứa.

Thời vụ trồng các loại bạc hà không khắt khe, nếu chủ động được tưới tiêu thì có thể trồng vào các tháng 8, 9 và chú ý phải trồng sớm để bạc hà có thể chịu được rét trong mùa đông.

Đất trồng

– Bạc hà thích hợp nhiều loại đất (thịt, cát, đen, đỏ) nhưng cần thoát nước tốt: khô thì rụng lá, úng thì thối lá, chỗ trũng lá phủ kín ẩm quá thì sinh nấm bệnh.

– pH trung tính: 6 – 7

– Trước khi trồng cần làm đất, phơi ải, đập nhỏ, nhặt sạch cỏ.

– Lên luống rộng 1 – 1,2 m, chiều cao luống 20 – 25 cm, trên mặt luống rạch hàng ngang hàng cách hàng 25 – 30 cm.

– Trồng Bạc hà với quy mô lớn đòi hỏi các điều kiện sau đây:

      1. Cần gần nguồn nước tưới, xa mương phải đào giếng.
      2. Cần có nơi chưng cất tinh dầu ở gần, tránh vận chuyển cồng kềnh và hư hỏng nguyên liệu.
      3. Cần chuẩn bị phân bón đầy đủ, với cách thức chăm bón thích hợp.
      4. Phân bón

Lượng phân cần thiết cho một hecta như sau:

– 15 – 20 tấn phân chuồng, phân phải được ủ hoai mục, nhất thiết không được dùng phân tươi, vì phân tươi toả nhiệt làm chết cây. 2/3 phân chuồng hoai mục trộn với phân lân dùng để bón lót, còn 1/3 cần ủ thêm cho thật hoai để sau khi thu hoạch lần thứ nhất sẽ bón thêm.

– Phân hoá học chỉ cần ít:

+ 200 – 300 kg super phosphat trộn với phân chuồng để bón lót và bón thúc.

+ 200 – 250 kg phân amon sunfat dùng để tưới thúc. Sau mỗi lứa cắt tưới thúc 2 – 3 lần. Mỗi lần 15 – 20 kg/ha pha loãng tưới, tiếp sau tưới nước lã để rửa đạm cho khỏi táp lá.

+ 150kg kali sunfat chia theo tỉ lệ như trên hoà cùng phân đạm tưới thúc.

Gieo trồng

– Sau khi làm đất nhỏ thành luống và bón lót phân như đã nói trên, rạch hàng ngang luống sâu 8 -10 cm, hàng cách nhau độ 25 – 30 cm, để trồng. Có thể trồng bằng cành để nguyên không cắt thì rải đều theo rãnh, lấp đất để ngọn thò độ 3 cm và ấn chặt gốc, tưới nước. Hoặc dùng thân rễ cắt thành đoạn 8 – 10cm, đặt vào rãnh nối đuôi nhau, lấp đất ấn chặt, tưới ngay nước để nhanh bén rễ.

– Làm cỏ và tưới nước:

+ Ở giai đoạn cây chưa bò lan ra thì dùng cuốc xới phá váng đất. Nhưng sau khi cây bò rộng ra và thân rễ đã phát triển mạnh thì nhổ cỏ bằng tay và xáo xới ở chỗ đất hở và má luống.

+ Bạc hà gặp hạn thì khô cằn, nếu thiếu nước nghiêm trọng thì lá sẽ rụng trụi. Vậy cần phải tưới nước kịp thời. Mùa hè đất quá khô thì nên tưới nước qua các rãnh để ngấm sâu vào thân rễ, hoặc bơm tháo nước vào ruộng qua một đêm, hôm sau tháo kiệt.

+ Nếu gặp mưa to cần tháo nước nhanh chóng cho khỏi thối lá.

Trừ sâu bệnh

Cần chú ý phòng bệnh và trừ sâu cho cây:

– Khi cây phân cành nhiều, lá che kín đất, thiếu ánh sáng, ở chỗ trũng độ ẩm chênh lệch nhiều với độ ẩm không khí là cơ hội để bệnh gỉ sắt lan nhanh. Dùng dung dịch BORDEAUX hoặc Vôi phun định kỳ 7 ngày 1 lần để hạn chế bệnh.

– Bệnh thối gốc dễ phát hiện. Hễ thấy một đám nhỏ bị nhũn tựa như bị đổ nước nóng vào, thì cũng phòng trừ như trên, hoặc nặng thì nhổ đám cây bị bệnh và rắc vôi bột vào.

– Vào tháng 1 – 2 – 3, để phòng sâu xám cắn ngang cây khi mầm lá mới mọc: dùng thuốc trừ sâu (Dùng luân phiên các thuốc có hoạt chất Emamectin, Lamda-Cypermethrin với hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin…) trộn lên trên mặt luống vào chiều tối để đêm sâu ra ăn sẽ chết. Sâu ít thì bắt bằng tay.

– Có loại sâu khoang ăn lá rất hại. Cần xử lý kịp thời, dùng thuốc trừ sâu (gốc Cúc tổng hợp, Abamectin,…) pha loãng phun vào buổi chiều mát, phun liên tục, cách nhau 3 ngày, vài lần thì hết sâu.

Thu hoạch

  • Lần 1: 80 – 90 ngày sau trồng.
  • Lần 2: 70 – 80 ngày sau thu lần 1.
  • Lần 3: 70 – 80 ngày sau thu lần 2.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese