QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LEO THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP
Thời vụ
Dưa leo có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, thích hợp nhất ở vụ Đông xuân.
Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10 – 11 dương lịch, đây là vụ chính, thường có bọ trĩ, bọ phấn trắng, nhện đỏ,… và bệnh sương mai (đốm phấn) phát triển mạnh nên phải thường xuyên thăm đồng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Giống
Giống được trồng phổ biến hiện nay là giống giống lai F1 do các công ty Giống cây trồng Miền Nam, Đông Tây, Trang Nông, Việt Nông… phân phối.
Chuẩn bị đất
Đất được dọn dẹp sạch cỏ dại.
Cày cho đất tơi xốp và phơi ải từ 7 – 10 ngày trước khi trồng.
Lên liếp rộng 1,5 – 1,7 m, cao 20 – 30 cm (Mùa mưa).
Khoảng cách trồng:
- Mùa mưa: 1,4 m x 0,4 m
- Mùa nắng: 1,2 – 1,3 m x 0,3 m
Mật độ trồng: 1.300 – 1.600 cây/1.000 m2
Phủ bạt: Phủ liếp bằng plastic giúp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại,… (Mặt đen ở dưới, mặt có màu ánh bạc ở trên).
- Ngâm ủ và gieo hạt
Có 2 cách gieo hạt như sau:
+ Cách 1: Gieo hạt khô thẳng trên luống, gieo 1 – 2 hạt vào 1 lỗ sâu 1 – 1,5 cm, lấp hạt bằng phân chuồng hoai hoặc tro trấu sau đó chừa lại 1 cây /1 lỗ (lúc gieo hạt nên thêm một số hạt vào bầu đất để trồng dặm về sau).
+ Cách 2: Ngâm hạt trong nước ấm (pha 3 sôi, 2 lạnh) từ 3 – 5 giờ, loại bỏ hạt lép rồi vớt hạt ra, ủ hạt bằng khăn ẩm, ủ thành từng lớp mỏng. Sau mỗi 12 giờ đem hạt ra rửa lại bằng nước ấm. Khi thấy hạt nứt mầm thì đem gieo. Những hạt chưa nứt mầm thì rửa hạt bằng nước ấm và tiếp tục ủ lại. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hạt nảy mầm hết.
Bón phân
Lượng phân thay đổi tuỳ loại đất. Lượng phân trung bình để bón cho 1000 m2 như sau:
Lượng nguyên chất (kg/1000 m2): 19,2 N–15,4 P2O5–21,2 K2O
Lượng phân thương phẩm tương ứng:
– Phân chuồng: 2 tấn
– Phân hữu cơ vi sinh 100 kg
– Vôi: 30 – 50 kg
– Super lân: 30 kg
– Urê: 21 kg
– DAP: 4 kg
– KCl: 28 kg
– NPK (16-16-8): 55 kg
– Borax: 2 kg
– MgSO4 2kg
Cách bón:
– Bón lót: Toàn bộ vôi + toàn bộ phân chuồng + toàn bộ super lân + 30 kg NPK 16-16-8 + 15 kg KCl + Toàn bộ Borax + Toàn bộ MgSO4
– Bón thúc:
Ngày sau gieo | Urê (kg) | NPK (kg) | KCl (kg) | DAP (kg) | Phân vi sinh (kg) |
7 | 3 | 5 | 0 | 2 | 0 |
14 | 3 | 5 | 0 | 2 | 0 |
21 | 3 | 5 | 2 | 0 | 50 |
28 | 3 | 5 | 2 | 0 | 0 |
35 | 3 | 5 | 3 | 0 | 0 |
42 | 3 | 0 | 3 | 0 | 50 |
50 | 3 | 0 | 3 | 0 | 0 |
Cách bón thúc:
Bón phân theo sự phát triển của bộ rễ. Mỗi lần bón, có thể dùng 1 trong các cách sau như mở một bên bạt phủ liếp, rải dọc theo hàng dưa leo; đục lỗ nhỏ bạt phủ giữa hai gốc; rạch hàng để bón hoặc phủ lớp đất mỏng hay hữu cơ để giữ cho phân khỏi bay hơi.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá để tăng cường sức sinh trưởng của cây, nhất là giai đoạn cây bắt đầu ra hoa kết trái.
Tưới nước
Mùa nắng tưới nước 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, mùa mưa có thể tưới một lần hoặc cách ngày, tùy lượng mưa.
Tăng cường lượng nước tưới và diện tích tưới xung quanh gốc cây lớn, nhất là thời kỳ ra hoa và có trái rộ, cần thoát nước tốt trong mùa mưa.
Tưới nước ngay sau khi trồng và sau khi bón phân.
Làm giàn, tỉa lá
Làm giàn bằng cách dùng cây cắm làm trụ, sau đó giăng lưới nylon hình chữ X hoặc cắm chà cây ít bị sâu bệnh hơn nhờ thông thoáng hơn.
Bấm lá chân (những lá già, sâu bệnh) khi cây đã lớn giữ cho bộ lá luôn khỏe, xanh tốt. Làm cỏ, cột ngọn kịp thời. Xịt bổ sung phân bón lá Hi-canxi khi thu hoạch 5 lứa trở đi (5 – 7 ngày xịt một lần làm cho trái bóng đẹp).
Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để phòng trừ sâu bệnh hại trên dưa leo
Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để phòng trừ sâu bệnh hại trên dưa leo
Cỏ dại
Tỉa bỏ những cây phát triển không tốt, ngắt bỏ lá bệnh, bỏ bớt là già, tạo thông thoáng. Nhổ bỏ cây bị bệnh và tiêu hủy, nên nhổ vào trời nắng ráo.
Các loại cỏ dại thường gặp: Cỏ lá hẹp: Cỏ chỉ, mần trầu; Cỏ lá rộng: Dền gai, màng màng, rau sam, cây ráy; Cỏ cói lác: Cỏ cú, cỏ chác,…
Phòng trị cỏ dại
- Làm vỡ đất (cày, cuốc), phơi nắng từ 7 – 14 ngày và sau đó bừa cho đất tơi xốp từ (1 – 2 lần).
- Gom cây và rễ cỏ trong khu vực trồng để thiêu hủy.
- Diệt cỏ dại bằng tay hoặc bằng hóa chất, vệ sinh ruộng trước khi trồng và kết thúc vụ.
- Phun thuốc trừ cỏ Dual Gold 960EC (S – Metolachlor), hoặc dọn đất bằng Gramoxone 20SL (Paraquat) nhằm tận dụng mùa vụ. Phun 1 lần trước khi trồng cho cả vụ.
Bệnh hại trên cây dưa leo
1) Bệnh chết héo cây con và lỡ cổ rễ(Do nấm Rhizoctonia solani, Fusarium, Pythium)
Triệu chứng: Vết bệnh trên cổ rễ, thân gần mặt đất bị lõm vào, có màu nâu, sau đó vết bệnh lan rộng xung quanh, vùng cổ rễ, gốc thân bị thối nâu, đen, tóp lại → cây héo rũ, đổ gục trong khi lá vẫn còn màu xanh. Các vết loét phát triển ở nhiều mức độ từ vệt thẳng trên mô vỏ → bao thắt quanh thân. Bệnh làm chết rạp cây con, thối rễ, thối thân và lở cổ rễ
Thời gian phát sinh, phát triển: Bệnh gây hại từ giai đoạn cây con có lá mầm đến khi có 2 – 3 lá thật.
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh với cây trồng khác để tiêu diệt nguồn bệnh.
– Xới đất tơi xốp, phơi ải cho thoáng khí, thoát nước tốt, không để ruộng đóng váng.
– Xử lý đất: Phơi nắng, dùng thuốc Sago super 3G (Chlorpyrifos Methyl)3,0kg/1.000m2
– Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng chế phẩm Wehg 0,1%, hoặc Vicarben 0,1% (Carbendazim)
– Chăm sóc:
+ Tưới nước vừa đủ ẩm
+ Vệ sinh vườn: Nhổ bỏ cây bệnh; xử lý vôi + CuSO4 tỷ lệ 1:1
+ Sát trùng dụng cụ: formol 0,3% hoặc nước vôi 5%
+ Sử dụng phân hữu cơ vi sinh (Trichoderma), chế phẩm EM
– Phòng trừ bệnh:
+ 7 và 14 ngày sau trồng: Dùng chế phẩm Trichoderma với liều lượng 1,2 kg/1.000m2 tưới gốc kết hợp phun trên lá để tăng sức đề kháng cho cây.
+ Thuốc hóa học: Khi bệnh mới xuất hiện, sử dụng Validan 3DD – 5DD (Validamycin A), Rovral 50WP (Iprodione), Score 250EC (Difenoconazole), Appencarb super 50FL (Carbendazim), Tilt super 300EC (Difenoconazole+ Propiconazole).
2) Bệnh héo dây chảy nhựa thân(Fusarium oxysporum, Rhizoctonia, Pythium)
Thời gian và điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh xuất hiện gây hại khi cây con có từ 2 – 3 lá thật và kéo dài cho đến khi thu hoạch. Bệnh gây hại nặng trong mùa mưa, ruộng bị úng nước nhất là sau những trận mưa, gió lớn làm xây sát vùng rễ.
Triệu chứng: Trên rễ và cổ rễ bị thối đen, chỗ bị thối teo thắt lại. Các lá bên trên biến vàng, cây héo và chết. Nấm xâm nhiễm gây hại vào vùng rễ bị tổn thương làm cây bị héo rũ và chết hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh với cây trồng khác để tiêu diệt nguồn bệnh trong đất.
– Mùa mưa lên luống cao, thoát nước tốt, không để ruộng bị úng nước
– Xử lý đất bằng vôi 60 kg/1.000m2, kết hợp với thuốc Sago super 3G (Chlorpyrifos Methyl) 1,5kg/1.000m2
– Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng chế phẩm Wehg 0,1%, hoặc bằng nước nóng (3 sôi + 2 lạnh) trong 20 phút.
– Để diệt nấm gây bệnh lưu tồn trong đất, dùng BIMA (Trichoderma) ủ với phân chuồng hoăc rơm mục trước 1 tháng sau đó bón vào liếp trước khi trồng.
– Khi bệnh xuất hiện giảm nước tưới, giảm bón phân đạm:
+ 7 và 14 ngày sau trồng: Dùng chế phẩm Trichoderma liều lượng 1,2 kg/1.000m2 tưới gốc + phun trên lá
+ Thuốc hóa học, sinh học: Khi bệnh mới xuất hiện, sử dụng Validan 3DD – 5DD (Validamycin A), Rovral 50WP (Iprodione), Score 250EC (Difenoconazole), Appencarb super 50FL (Carbendazim), Tilt super 300EC (Difenoconazole + Propiconazole), Polyram 80WG (Metiram Complex), Agrotop 70WP (Thiophanate-Methyl), Vida 3SC, 5 WP (Validamycin A).
3) Bệnh thán thư(Do nấmColletotrichumlagenarium)
Thời gian và điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát sinh phát triển trong điều kiện nóng, ẩm, mưa nhiều. Gây hại từ khi cây bắt đầu ra hoa đến khi thu hoạch.
Triệu chứng:
– Trên lá: Vết bệnh hình tròn màu vàng nhạt có đồng tâm, về sau có màu nâu sẫm. Khi trời khô, các vết bệnh rách tạo thành những lổ thủng trên lá.
– Trên trái: Mới chớm bệnh, vết bệnh hình tròn, lõm màu vàng, bệnh nặng làm trái bị biến dạng.
– Trên dây: Vết bệnh màu nâu sẫm, về sau chuyển qua màu xám. Trong điều kiện ẩm ướt, trên bề mặt vết bệnh có lớp nấm màu hồng nhạt.
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh với cây trồng khác để tiêu diệt nguồn bệnh.
– Thu gom lá, dây, trái bị bệnh đem tiêu hủy
– Xử lýđất bằng vôi 60 kg/1.000m2, kết hợp với thuốc Sago super 3G (Chlorpyrifos Methyl) 1,5kg/1.000m2
– Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng chế phẩm Wehg 0,1 %, hoặc bằng nước nóng (3 sôi + 2 lạnh)
– Trong mùa mưa: Khi cây có 5 – 6 lá thật, phun thuốc phòng bệnh như Amista Top 325SC (Azoxystrobin + Difenoconazole), Benndazole 50WP (Albendazole), Carbenvil 50SC (Carbendazim), Score 250EC (Difenoconazole).
– Giai đoạn thu trái: sử dụng thuốc sinh hoc: Sat 8SL (Cytosinpeptidemycin), Mocabi 1SP (Chaetomium sp. 1,5 x 106 cfu/mL + Tricoderma sp. 1,2 x 104 cfu/mL).
4) Bệnh sương mai dưa leo (Downy Mildew) (Do nấm Pseudoperonospora cubensis (Berkley & Curtis) Rostovzew)
Bộ phận bị hại: Bệnh thường xuất hiện gây hại trên lá già
Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu chỉ là những chấm nhỏ không màu hoặc màu xanh nhạt sau chuyển qua xanh vàng đến nâu nhạt, vết bệnh hình tròn, đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh nằm rải rác trên lá hoặc dọc các gân lá, vết bệnh có góc cạnh không định hình, mặt dưới chỗ vết bệnh hình thành một lớp mốc màu trắng xám đó là cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Khi bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại tạo thành vệt lớn gây rách nứt các mô tế bào bị bệnh, lá bị biến dạng, cây phát triển yếu và chết.
Biện pháp phòng trừ:
– Tiêu diệt triệt để nguồn bệnh từ tàn dư thân, lá bệnh, làm tốt vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch.
– Chọn giống tốt, lấy giống từ những ruộng không bệnh hoặc trồng các giống lai F1, tăng cường chăm sóc cây sinh trưởng khoẻ mạnh.
– Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng chế phẩm Wehg 0,1%
– 7 và 14 ngày sau trồng: Dùng chế phẩm NLU – Tri (T.41) 109 cfu/g với liều lượng 1,2 kg/1.000m2 tưới gốc.
– Sử dụng thuốc kích kháng:
+ 10 – 20 sau trồng: phun Olicide 9SL (Oligo – sacarit) và Exin 4,5SC (Salicylic Acid).
+ Som 5SL (Acrylic acid + Carvacrol), Actinovate 1SP (Streptomyces lydicus WYEC 108), phun khi bệnh mới xuất hiện (3 – 5%), số lần phun tùy thuộc vào tình hình bệnh trên ruộng.
+ Giai đoạn bắt đầu thu hoạch: Phun Diboxylin 8SL (Ningnanmycin), Senly 2,1SL (Eugenol + Carvacrol)
– Thuốc hóa học: Có thể phun từ 1 – 2 lần thuốc hóa học khi bệnh mới xuất hiện (15 – 20 ngày sau mọc): Daconil 75WP (Chlorothalonil), Topsin M 70WP (Thiophanate – Methyl), Mataxyl 25 WP (Metalaxyl), Zineb Bul 80 WP (Zineb) đặc biệt chú ý phun mặt dưới lá.
5) Bệnh phấn trắng (Do nấmErysiphe cichoracearum De Candolle)
Thời gian phát sinh, phát triển và bộ phận bị hại: Bệnh gây hại trên lá, thân, cành và xuất hiện gây hại ngay từ thời kỳ cây con.
Triệu chứng: Ban đầu trên lá xuất hiện những đốm nhỏ xanh vàng, bao phủ một lớp nấm trắng xám dày đặc như bột phấn sau đó bao phủ hết cả phiến lá. Lá bị bệnh chuyển dần từ màu xanh sang vàng, lá bị khô cháy và dễ rụng. Lớp phấn trắng xuất hiện cả trên thân, cành, hoa làm hoa khô rụng và chết. Cây bị bệnh sinh trưởng yếu, phẩn chất kém (giảm lượng đường và các acid amin) và phải thu hoạch quả trước thời hạn, năng suất kém.
Biện pháp phòng trừ:
– Thu dọn tàn dư lá, thân bị bệnh đem đốt hoặc vùi xuống hố ủ phân.
– Tiêu diệt cỏ dại ven bờ.
– Phun thuốc hoá học phòng trừ kịp thời ngay sau khi phát hiện bệnh bằng các loại thuốc Vectra 200 EC (Bromuconazole), Daconil 75WP (Chlorothalonil), Score 250EC (Difenoconazole), Topsin M 70WP (Thiophanate – Methyl), Sulox 80WP (Sulfur), Vicarben – S 75WP (Carbendazim + Sulfur) 0,2% phun cho cây vào buổi chiều mát, khô lá. Sử dụng các loại thuốc sinh học PN – Linhcide 1,2 EW (Eugenol), Calixin 75EC (Tridemorph) phun ở giai đoạn sắp thu hoạch.
6) Bệnh khảm (hoa lá), xoăn lá do virus
Điều kiện phát sinh, phát triển và bộ phận bị hại: Bệnh gây hại trên lá và toàn bộ dây nhất là phần ngọn non. Ruộng bón nhiều đạm, ít kali: bệnh nặng. Sự phát triển và tác hại của bệnh có liên quan chặt chẽ với mật độ bọ trĩ, rầy, rệp trên đồng ruộng.
Triệu chứng: Bệnh nhẹ, phiến lá bị vàng, gân vẫn xanh. Cây bị bệnh ngọn non xoăn lại, lá có màu xanh nhạt, có những vết khảm loang lỗ xanh đậm và xanh vàng xen kẽ nhau. Bệnh nặng, lá biến dạng, nhỏ hẹp co quắp, phiến lá dày thô cứng, gồ ghề, các đốt thân co ngắn, cây chùn lại, phát triển rất chậm. Trái bị bệnh thường biến dạng, sần sùi, vỏ trái có vết đốm xanh đậm, xanh nhạt loang lỗ và có vị đắng.
Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trong ruộng và xung quanh để hạn chế nguồn bệnh và côn trùng môi giới
– Đất trồng: Bón 60kg vôi, 60 kg tro, phân chuồng ủ hoai mục/1.000 m2. Sử dụng 1,2 kg (1,2 lít)Trichoderma ủ cho 1 m3 phân chuồng
– Phòng trừ các loại sâu hại như bọ trĩ, rẩy, rệp khi sâu tuổi nhỏ:
+ Khi mật số bọ trĩ 1 – 3 con/ngọn: Admire 050EC (Imidacloprid), Danitol 10EC (Fenpropathrin), Radian 60SC (Spinetoram).
+ Sử dụng bẫy màu vàng
– Kết hợp trừ nhện đỏ hại trên lá dưa leo: Actimax 50WG (Emamectin benzoate – Avermectin B1a + Avermectin B1b), Feat 25EC (Abamectin + Petroleum oil).
Sâu hại trên cây dưa leo
1) Ruồi (dòi) đục lá – sâu vẽ bùa: (Liriomyza sp.)
Thời gian phát sinh, phát triển: Xuất hiện khi cây có 1 – 2 lá thật đến khi cây tàn
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Sâu non đục dưới lớp biểu bì thành những đường vòng vèo màu trắng, nhiều vết đục sẽ làm cho lá bị cháy khô, cây sinh trưởng kém, mau tàn lụi, trái nhỏ và ít.
Biện pháp phòng trừ:
– Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng vượt qua sự phá hại của dòi
– Ngắt bỏ những lá bị dòi hại nặng.
– Dùng bẫy màu vàng (thu bắt ruồi trưởng thành), đặt bẫy cách mặt đất 20 – 25 cm, khoảng cách 15 – 20 m2/bẫy)
– Sử dụng luân phiên các loại thuốc: Trigard 100SL (Cyromazine), Radian 60SC (Spinetoram).
2) Bọ trĩ (Thrip palmi)
Điều kiện và thời gian phát sinh, phát triển: Bọ trĩ xuất hiện gây hại trong suốt vụ trồng, phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết nóng và hanh khô.
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Trưởng thành hình dạng dài, màu vàng nhạt. Bọ trĩ đẻ trứng trên lá, sâu non và trưởng thành đều hút chất nhựa ở phiến lá, gân lá làm cả lá chuyển màu vàng nâu và biến dạng. Mật độ bọ trĩ cao làm cây cằn cỗi, chùn ngọn, không vươn lóng, lá vàng và khô. Hoa rụng sớm, trái ít và nhỏ. Là môi giới truyền bệnh virus cho cây dưa leo.
Biện pháp phòng trừ:
– Thường xuyên thăm ruộng, kiểm tra 100 cây/1.000m2 theo năm điểm chéo góc và trên 1 dây, kiểm tra 5 lá từ ngọn xuống, nếu phát hiện thấy có bọ trĩ trung bình 2 con/lá phải phun thuốc phòng trừ.
– Dùng bẫy màu vàng (thu bắt trưởng thành của bọ trĩ), đặt bẫy cách mặt đất 20 – 25 cm, khoảng cách 15 – 20m2/bẫy)
– Luân phiên sử dụng các loại thuốc: Radian 60SC (Spinetoram), SK Enspray 99 (Petroleum spray oil).
3) Bọ bầu vàng (Aulacophora sp.)
Điều kiện và thời gian phát sinh, phát triển: Bọ bầu vàng xuất hiện gây hại từ khi cây có 2 – 3 lá thật, mật độ bọ cao có thể làm cây trụi hết lá và đọt non. Khi cây dưa lớn, lá có nhiều lông cứng bọ ít cắn phá.
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại:Trưởng thành là loài bọ cánh cứng màu vàng cam, hình bầu dục, mắt đen, râu dài. Trứng rất nhỏ màu vàng xanh hoặc vàng nâu. Sâu non màu trắng ngà, đầu màu nâu. Bọ trưởng thành ăn lớp biểu bì trên mặt lá thành một đường vòng làn lá bị thủng thành những lổ tròn. Trưởng thành ăn phá ban ngày, sâu non trong đất ăn rễ và đục vào gốc cây làm cây suy yếu không phát triển được.
Biện pháp phòng trừ:
– Cày bừa đất kỹ, phơi nắng để diệt nhộng và sâu non ở trong đất
– Bắt bọ trưởng thành bằng tay hoặc bằng vợt
– Sau khi thu hoạch: gom hết dây dưa lại để thu hút thành trùng tới rồi dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt.
– Thuốc hóa học ít có hiệu quả đối với bọ trưởng thành, do vậy phải chú ý thực hiện tốt biện pháp canh tác.
4) Sâu xanh hai sọc trắng (Diaphania indica)
Điều kiện và thời gian phát sinh, phát triển: Sâu phát sinh gây hại từ khi cây còn nhỏ đến khi có trái, nhiều nhất là khi cây bắt đầu ra hoa và có trái non
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Bướm trưởng thành khi đậu xếp cánh hình tam giác có vệt trắng ở giữa, mép cánh có màu nâu đen. Sâu non phá hại búp non, nụ hoa, cắn điểm sinh trưởng, ăn lá, mật độ cao có thể ăn trụi lá chỉ chừa lại gân lá, ngoài ra chúng còn ăn vỏ trái non làm vỏ sần sùi loang lổ. Nhộng màu nâu đen.
Biện pháp phòng trừ:
– Thu dọn dây dưa leo sau thu hoạch
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và diệt sớm các ổ trứng, sâu non, nhộng.
– Luân phiên sử dụng thuốc: Proclaim 1,9EC (Emamectin benzoate – Avermectin B1a + Avermectin B1b), Match 050EC (Lufenuron), Success 25SC (Spinosad).
– Luân phiên với các thuốc thảo mộc Rinup 30EC (Rotenone), Dibonin 5SL (Rotenone +Saponin) trừ sâu non mới nở.
5) Rệp mềm (Aphids spp.)
Thời gian phát sinh, phát triển: Rệp xuất hiện gây hại từ khi cây có 2 – 3 lá thật cho đến khi dây dưa leo tàn
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Cơ thể rệp trưởng thành và rệp non đều rất nhỏ, hình quả lê, mềm, màu sắc thay đổi từ màu vàng đến xanh thẫm hoặc xanh đen tùy theo mùa (mùa đông màu sẫm, mùa hè màu nhạt). Rệp trưởng thành có hai loài, loài có cánh và loài không có cánh. Rệp chích hút nhựa làm dây dưa leo chùn đọt, sinh trưởng kém, lá vàng, mật độ rệp cao có thể làm khô lá. Rầy mềm là môi giới truyền bệnh khảm virus cho cây dưa leo.
Biện pháp phòng trừ: Giết rệp bằng tay hoặc ngắt bỏ các lá có rệp. Khi mật độ rệp cao ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất có thể dùng luân phiên các loại thuốc như Actara 25WG (Thiamethoxam), Sokupi 0,36SL (Matrine), Elsin 10EC (Nitenpyram),Nitenpyram 50WP (Nitenpyram),LKSet – Up 70WG (Nitenpyram + Pymetrozine).
6) Nhện đỏ (Tetranichus sp.)
Thời gian phát sinh, phát triển:Nhện xuất hiện gây hại trong suốt giai đoạn sinh trưởng của cây.
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Nhện đỏ chuyên sống và gây hại ở mặt dưới, trứng hình tròn, màu vàng nhạt rất nhỏ, trứng đẻ ở mặt dưới lá. Nhện trưởng thành dài khoảng 0,5mm, màu đỏ nâu có 8 chân. Nhện non nhỏ hơn, màu đỏ nâu có 6 chân. Nhện non và trưởng thành chích hút lá tạo ra những đốm trắng vàng trên mặt lá.
Biện pháp phòng trừ:
– Bón phân, tưới nước cho cây sinh trưởng tốt tăng sức đề kháng.
– Khi nhện xuất hiện gây hại, không để ruộng khô hạn
– Dùng các thuốc đặc trị nhện: Comite 7,3EC (Propargite), Dibonin 5WP – 5SL (Rotenone+Saponin), Radian 60SC (Spinetoram), SK Enspray 99 (Petroleum spray oil), Actimax 50WG (Emamectin benzoate – Avermectin B1a + Avermectin B1b), Feat 25EC (Abamectin + Petroleum oil), Actimax 50WG (Emamectin benzoate – Avermectin B1a + Avermectin B1b). Chú ý phun lúc sáng sớm và chiều mát.
7) Rầy xanh lá mạ (Empoasca flavescens)
Biện pháp phòng trừ: Luân phiên sử dụng thuốc Elsin 10EC (Nitenpyram), Acnipyram 50WP (Nitenpyram), LKSet – Up 70WG (Nitenpyram + Pymetrozine), Butyl 40 WP (Buprofezin)
Thu hoạch, đóng gói, bảo quản
Giai đoạn thu hoạch thích hợp: Dưa leo có thể bắt đầu thu hoạch sau trồng 35 – 40 ngày. Thu hoạch đúng lứa để đảm bảo đúng chất lượng trái. Trái vừa đạt độ chín sinh lý (5 – 6 ngày tuổi). Thời kỳ đầu nên thu hoạch trái mỗi ngày vào buổi sáng, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1,5 tháng. Dùng tay hoặc kéo cắt trái chừa cuống khoảng 1cm. Chọn hái những trái non, màu xanh nhạt và vẫn còn phấn trắng. Khi hái tránh không làm ảnh hưởng đến lứa sau. Phải đảm bảo đúng thời gian cách ly đối với thuốc BVTV và phân hóa học. Trái được đóng sọt, thùng hay bao nilon tại nơi thu hoạch theo yêu cầu khách hàng. Bao bì phải sạch, không nên quá lớn và có khả năng bảo vệ trái trong quá trình vận chuyển.
Phương pháp thu hoạch: Thu trái cho vào giỏ/ thùng chứa sạch sẽ. đặt trái vào giỏ/ thùng thật nhẹ nhàng, tránh làm xây sát, bầm giập, để giảm nguy cơ bệnh sau thu hoạch.
Thiết bị, thùng chứa và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải được làm từ những chất không độc hại, đảm bảo sạch sẽ. Trang bị đồ bảo hộ lao động, găng tay cao su khi thu hoạch.
Tiêu chuẩn chất lượng trái: Màu sắc phù hợp với từng giống. Không có côn trùng, vết bệnh và những chất không tốt khác trên bề mặt trái. Cần phân loại trái sau thu hoạch, loại những trái xấu hoặc quá chín để đảm bảo chất lượng đúng phẩm cấp.
Bảo quản đóng gói sản phẩm: Dưa leo khi thu hoạch không để tiếp xúc trực tiếp dưới đất, để nơi thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Để bảo quản dài ngày nên đóng gói dưa leo tại nhà sơ chế. Trái được được phân loại, lựa chọn theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường và loại bỏ trái bị khuyết tật. Có thể rửa bằng dung dịch chlorine và xử lý trái bằng dung dịch chitosan 0,5 % trong 5 phút. Làm khô tự nhiên hay dùng quạt. Đóng gói trong bao PE hoặc bọc màng co. Bảo quản ở 100C trong 8 – 10 ngày. Khu vực đóng gói phải xa khu sản phẩm phế thải để tránh lây lan dịch bệnh cho sản phẩm sau thu hoạch. Trước khi sử dụng đồ chèn lót, cần kiểm tra đảm bảo không bị nhiễm đất, hóa chất, dị vật và các loài sinh vật gây hại, nếu phát hiện vấn đề không phù hợp cần loại bỏ, làm sạch hoặc phủ kín bằng vật liệu bảo vệ.
Vận chuyển
Cần kiểm tra các phương tiện vận chuyển trước khi xếp thùng chứa sản phẩm, đảm bảo sạch sẽ.
Sản phẩm cần được bảo vệ trong quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo chỉ tiêu về chất lượng và hình thức rau an toàn.
Ghi chép dữ liệu
Ghi chép đầy đủ dữ liệu trong sổ tay nhật ký sản xuất, nhật ký bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm để dễ dàng kiểm tra và giải quyết sự cố xảy ra như môi trường (Nhiệt độ, độ ẩm, nước mưa, tần số mưa, chỉ tiêu khác); Tên giống, ngày gieo trồng, ngày tỉa cây yếu; Ngày bón phân, phun thuốc loại thuốc, loại phân (phân hóa học, hữu cơ); Ngày thu hoạch, chi phí, sản lượng, thu nhập; Những sự cố, vấn đề xảy ra trong suốt quá trình trồng, thu hoạch vận chuyển, tiêu thụ.