BỆNH THỐI RỄ TÓP CÀNH THANH LONG
Từ năm 2015, tại các vùng canh tác thanh long lâu năm tại Bình Thuận như Hàm Thuận Bắc đã xuất hiện tình trạng cây thanh long bị tóp cành, vàng trụ khó có thể phục hồi lại. Vậy đâu là nguyên nhân và cách khắc phục.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân thanh long bị thối rễ, cành teo tóp do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo cộng với việc nông dân bón vôi vào gốc quá nhiều, hoặc bón quá nhiều loại phân có chứa hàm lượng canxi cao (CaO) khiến gốc quá nóng nên tuột rễ, gây chết khô rễ dẫn đến cành bị chết và khô. Đối với trường hợp cành thanh long đã bị khô hiện không có biện pháp khắc phục.
Đối với trường hợp rễ thanh long bị xơ từ chóp vào và đào gốc lên có những trụ rễ có mùi thối, đồng thời cành cũng có hiện tượng teo tóp nguyên nhân chính ở đây là: gây ra bệnh này là sự kết hợp giữa 2 tác nhân gây bệnh đó là Tuyến trùng và nấm rễ. Tuyến trùng sẽ di chuyển trong đất và tấn công vào rễ gây ra nhiều vết thương hở. Sau đó, nấm Phytophthora, Fusarium, Pythium sẽ tấn công vào rễ cây thông qua những vết thương này, gây nên hiện tượng rễ sưng và thối. – Thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện sớm bệnh để có biện pháp quản lý thích hợp.
Phương pháp phòng ngừa bệnh trường hợp do nấm và tuyến trùng:
- Rải vôi xung quanh trụ thanh long 1 – 2 lần/năm (1 – 2 kg/trụ).
- Trong điều kiện mùa mưa, tránh tủ cỏ, rơm quá gần gốc. Đồng thời tạo điều kiện thoát nước tốt cho vườn thanh long.
- Bón nhiều phân hữu cơ hoai mục kết hợp với sử dụng thuốc BVTV kiểm soát tuyến tùng và nấm gây hại.
- Cần chú ý bón các loại phân có hàm lượng lân, kali, canxi, magie, silic và vi lượng cao, với nguyên tắc chia nhiều lần bón (10 – 15 ngày/lần) và mỗi lần bón ít lại (100 – 200 gram/trụ). Tuyệt đối không được bón phân hữu cơ tươi, phân NPK có hàm lượng quá cao.
Khi bệnh đã xuất hiện có thể áp dụng bằng các biện pháp hóa học như sau:
- Theo khuyến cáo của Chi Cục bảo vệ thực vật Bình Thuận:
- Tiến hành cào hết rơm rạ ra khỏi gốc, phun hoặc tưới một trong các loại thuốc như Agri-fos 400, Aliette 80WP, Eddy 72 WP để tưới vào gốc trừ nấm theo liều khuyến cáo của sản phẩm ghi trên bao bì.
- 3 – 5 ngày sau phun thuốc có thể sử dụng các loại phân bón gốc giàu lân theo liều lượng khuyến cáo của nhà SX, kèm theo các loại phân kích thích ra rễ. Liều lượng tạm thời khuyến cáo sử dụng lân vôi Địa Long lượng bón (0,5 -1 kg/trụ) + Hợp Trí Super humic (20 – 40 gram/trụ) + Micromate (20 – 30 gram/trụ), tùy theo tuổi cây.
- Sau khi bón xong thì tủ rơm lại và tiến hành cứ 3 – 4 ngày tưới 1 lần, chỉ cần tưới đủ ẩm, không tưới dư nước.
- Sau 15 – 20 ngày bón phân kiểm tra, nếu thấy thanh long đã ra rễ mới và chuyển sang màu nâu thì tiến hành cung cấp đa lượng (N, P, K) cho cây để giúp phục hồi và sinh trưởng phát triển.
- Hoặc một số giải pháp khác:
- Tervigo 020SC + Ridomil Gold 68WG kết hợp các chế phẩm ra rễ. Phun phòng 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa hoặc phun khi bệnh xuất hiện theo liều lượng khuyến cáo nhà sản xuất.
- Oncol 20EC + Biobac 500WP kết hợp tiêu diệt tuyến trùng và nấm đất. Phun phòng vào thời điểm đầu, giữa cuối mùa mưa. Phun khi bệnh mới chớm liều lượng chu kỳ phun theo như khuyến cáo nhà sản xuất.